Tại Hậu Giang, thời điểm này, các nhà vườn trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành đang gặp rất nhiều khó khăn tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm chanh.  Giá chanh hiện ở mức 3.000 – 4.500 đ/kg, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết, ban đầu khi mới phát triển loại cây này, diện tích trồng toàn huyện chỉ khoảng 400 ha, nhưng tính đến cuối năm 2016 đã tăng lên khoảng 900 ha. Rất nhiều nguyên nhân tác động đến yếu tố giá cả, trong đó có việc sản xuất manh mún, thiếu tập trung, nhiều tỉnh khác cũng trồng loại cây này dẫn đến cung vượt cầu, dầu ra chưa ổn định.

Đối với cam Xã Đoài, hiện cầu đã vượt cung và giá ở mức cao.

Những ngày cận Tết, tại vùng cam đặc sản Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ  An), nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua, giá cam lên tới 70.000 đ/quả nhưng cũng không có để bán.

Một người trồng cam ở đây cho biết, từ hơn một tháng tước, thương lái đã đến đặt hàng, chờ đến cận Tết họ mới đến thu hoạch. Dù năm nay giá đa phần các mặt hàng đều giảm, tuy nhiên loại cam đặc biệt này vẫn rất hút khách với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/quả (nếu tính cân từ 300.000 – 350.000 đ/kg).  Cam Xã Đoài thường được các thương lái tận Hà Nội hay trong Sài Gòn ra đặt hàng sớm.

Cùng với cam Xã Đoài, quả phật thủ năm nay giá tăng cao do mất mùa.

Trước Tết Nguyên đán 2 tuần, dạo quanh một vòng các vườn phật thủ ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội), có thể thấy hầu hết vườn nào có quả to, đẹp đều đã có người mua và được đánh dấu bằng cách thắt nơ chờ ngày đến hái.

Một chủ vườn cho biết, năm nay, thời tiết không thuận lợi nên phật thủ mất mùa, sản lượng giảm đến 50% so với năm ngoái, quả nhỏ, tay và ngón cụp hơn… nên giá cao hơn hẳn năm trước. Giá phật thủ năm nay cao hơn so với năm ngoái, trung bình khoảng 300.000 – 500.000 đ/quả

Theo các chủ vườn trồng phật thủ lâu năm, chơi phật thủ cũng rất công phu và có “luật” của nó. Quả càng to, ngón tay của phật thủ càng nhiều, dài, móng nhọn thì càng có giá trị.

Còn đối với hoa, cây cảnh, thời tiết năm nay thay đổi, mai,  đào và cúc nở không đúng hẹn nhà nông thất thu.

Một người nông dân trồng mai ở xã An Dương, Bình Định cho biết, sở hữu 400 chậu mai nhưng hiện tại đã có đến 300 chậu hoa nở vàng rực và mai nở sớm thế này thì chắc không có người mua. Không chỉ có mai và cúc cũng vậy, mưa lũ liên tục từ cuối năm 2016 khiến hoa bị tuột lá ở phần gốc, héo úa, chậm phát triển.

Cùng với mai vàng, những vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang nở rộ trước Tết Đinh Dậu 2017. Mới đây trận mưa kéo dài 3 ngày (10-12/1) đã khiến hoa đào rụng phủ kín gốc, người dân đang cố gắng "cứu" đào và chấp nhận bán giá rẻ.

Theo người trồng đào Nhật Tân chia sẻ, nguyên nhân đào nở sớm là do diễn biến thời tiết phức tạp, khí hậu ấm trong những ngày gần Tết đã khiến người dân không kịp trở tay.

Mỗi cành đào nở sớm được bán với giá khá rẻ, chỉ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/cành nhỏ cắm lọ để bàn, những cành to hơn thì có giá 100.000 đồng đến 130.000 đồng/cành, hoa nụ đầy đủ.

Nguồn: VITIC tổng hợp/VTV, Báo Nông thôn…

 

 

Nguồn: Vinanet