Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá giảm 6 USD/tấn xuống 393 – 397 USD/tấn.
Bangladesh đang tăng thuế nhập khẩu gạo về mức 28% để hỗ trợ người trồng lúa sau khi sản lượng trong nước hồi phục, thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Abul Maal Abdul Muhith cho biết.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang phàn nàn rằng sản phẩm của họ sẽ bị mất khả năng cạnh tranh do Bangladesh đánh thuế cao. Ấn Độ là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Bangladesh trong năm 2017.
“Xuất khẩu sang Bangladesh sẽ trở nên gần như không thể nếu họ nâng thuế nhập khẩu”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền nam Ấn Độ) cho biết.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm marketing 2017/18 (tới 31/3/2018) đạt kỷ lục cao 12,7 triệu tấn nhờ nhu cầu mạnh từ Bangladesh.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2012, 465-475 USD/tấn, mặc dù đang thu hoạch lúa vụ phụ - vụ Xuân Hè. Cách đây một tuần, giá ở mức 455-460 USD/tấn.
Một số thương gia cho biết giá tăng vì nguồn cung vẫn tương đối hạn hẹp, và chất lượng vụ lúa này chỉ ở mức khá.
Theo các thương gia, với mức giá này khó ký được hợp đồng. “Các nhà xuất khẩu hiện chỉ trông chờ các hợp đồng liên chính phủ”, Reuters dẫn lời một thương gia cho biết, và thêm rằng Nhà nước không mua lúa vụ này để tích trữ.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá hiện khoảng 430 – 432 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 430 – 446 USD/tấn cách đây một tuần.
Các thương gia Thái Lan cho biết nhu cầu hiện không cao, không có hợp đồng mới nào từ khách hàng nước ngoài.
“Chúng tôi có thể phải chờ tới sau lễ Ramadan mới có thể thấy nhu cầu mới từ châu Phi”, Reuters dẫn lời một thương gia cho biết.
Các thị trường châu Phi hàng năm thường nhập khẩu gạo đồ từ Thái Lan, nhưng nhu cầu từ khu vực này trong nửa đầu năm nay đã giảm sút.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết đã xuất khẩu 4,98 triệu tấn gạo từ đầu năm tới ngày 1/6.
Một số thông tin liên quan
Philippines cấp phép cho 5 doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn gạo
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) ngày 5/6 đã cấp phép cho 5 công ty thương mại nhập khẩu tổng cộng 250.000 tấn gạo trong cuộc đấu thầu ngày 22/5. Trong số đó, 212.500 tấn sẽ mua của Thái Lan, phần còn lại mua của một số nhà cung cấp khác. Giá nhập khẩu khoảng 465,04 USD đến 461,75 USD/tấn, c&f.
Bangladesh kế hoạch mua thêm gạo từ Myanmar trong tháng 7
Bangladesh đang lên kế hoạch mua 100.000 - 200.000 tấn gạo từ Myanmar vào tháng 7 tới theo một thỏa thuận liên chính phủ (G2G), Tổng thư ký Liên đoàn lúa gạo Myanmar (MRF), Lu Maw Myint Maung cho biết.
Tháng 12 năm ngoái, Bangladesh đã mua 200.000 tấn gạo Myanmar theo hợp đồng G2G. Đến tháng 12/2017, Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo dưới dạng đấu thầu và thỏa thuận G2G, và sẽ nhập khẩu thêm 1 triệu tấn nữa.
Ông Lu cho biết, Myanmar đã ký Biên bản ghi nhớ với Bangladesh để bán 300.000 tấn gạo theo thỏa thuận G2G và cho đến tháng 12 năm ngoái đã xuất khẩu 100.000 tấn gạo.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Myanmar tính từ đầu tài khóa 2018/19 đến ngày 11/5 đạt 96 triệu USD (270.000 tấn gạo và tấm). Myanmar đã xuất khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2017/18.
Myanmar và Trung Quốc sẽ ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo
Myanmar đang đàm phán thỏa thuận với chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong tài khóa 2018 - 2019.
Đây là một phần nội dung trong biên bản ghi nhớ giữa Myanmar Trung Quốc, theo đó Myanmar sẽ xuất khẩu gạo từ tỉnh Vân Nam, và sẽ nhập khẩu thiết bị nông nghiệp, sắt thép.. từ Trung Quốc.
Myanmar kỳ vọng trong tài khóa tới sẽ xuất khẩu trên 3 triệu tấn gạo, và nâng lên 4 triệu tấn vào giai đoạn 2020 -2021.
Philippines muốn đánh thuế nhập khẩu gạo để giảm tình trạng buôn lậu
Vietnambiz đưa tin, Philippines muốn đánh thuế nhập khẩu gạo có thể tạo ra doanh thu để hỗ trợ người nông dân, đồng thời giúp chính phủ giải quyết tình trạng buôn lậu, một nhân viên Bộ Tài chính Philippines hôm 28/5 cho biết.
Theo ông Karl Kendrick Chua, nhân viên cấp cao bộ Tài chính Philippines, thuế gạo, một phần của gói cải cách thuế thứ hai, sẽ nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, và thuế này sẽ được sử dụng để gây quỹ cho các chương trình hỗ trợ người nông dân đa dạng hóa và tăng năng suất.

Nguồn: VITIC/Reuters 

Nguồn: Vinanet