Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 3 USD/tấn lên 402-405 USD/tấn.
“Đồng rupee đã tăng mạnh trong mấy ngày qua. Chúng tôi phải điều chỉnh giá hàng hóa xuất khẩu theo” Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ cho biết.
Rupee đã tăng hơn 4% kể từ đầu năm 2017 tới nay, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Nguồn cung lúa từ vụ mới bắt đầu có tại các bang miền Nam Ấn Độ, và dự kiến sẽ tăng dần trong những tuần tới.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá tăng lên 385-398 USD/tấn (FOB Bangkok), từ mức 380 – 387 USD/tấn một tuần trước đây.
“Nguồn cung lúc này tương đối thấp do lũ lụt gây thiệt hại ở một số khu vực. Giá gạo Thái Lan hiện tương đối cao và chúng tôi không thể cạnh tranh với những nước khác”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Lũ lụt hồi đầu năm nay đã ảnh hưởng tới 77 tỉnh của Thái Lan, và trên 480ha đất nông nghiệp.
Nguồn cung càng thêm khan hiếm khi Chính phủ lùi thời điểm giải phóng kho dự trữ 2 triệu tấn gạo từ cuối năm nay tới một thời điểm chưa xác định trong năm tới.
“Với tình hình nguồn cung và giá cao như hiện nay, Chính phủ nên xuất bán gạo dự trữ thay vì lùi thời điểm bán”, một thương gia khác cho biết.
Trong khi đó, lũ lụt ở Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, đã gây giảm 920.000 tấn sản lượng gạo trong năm tính tới tháng 6/2017 so với một năm trước đó, theo số liệu mới nhất của Chính phủ.
Mặc dù đã ký hợp đồng mua với một số nước xuất khẩu như Việt Nam, Bangladesh vẫn chưa có đủ gạo dự trữ, nhất là sau khi huỷ hợp đồng 250.000 tấn với Campuchia vào tuần trước vì chậm thanh toán.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu hiện ở mức 400 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, không thay đổi nhiều so với mức 400 – 405 USD/tấn một tuần trước đây.
Giá cao gây khó khăn cho việc ký những hợp đồng mới, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Nguồn cung ở Việt Nam hiện cũng thấp sau khi thu hoạch vụ thu hoạch lúa Thu Đông – sản lượng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiện Việt Nam bắt đầu xuống giống vụ Đông Xuân, một trong 2 vụ chính trong năm. Các thương gia dự báo thị trường dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng tới khi thu hoạch vụ mới – vào tháng 3.
Một số thông tin liên quan
Xuất khẩu gạo Thái Lan đạt mục tiêu 10 triệu tấn
Xuất khẩu gạo Thái Lan đã đạt 10 triệu tấn như mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm 2017, nhưng Bộ trưởng Thương mại mới đây cho biết xuất khẩu sẽ còn tăng thêm nữa khi chốt được hợp đồng với Bangladesh.
Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, xuất khẩu từ đầu năm tới nay đạt 10,2 triệu tấn, trị giá 150 tỷ baht (4,58 tỷ USD).
Thái Lan ban đầu đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn trong năm nay, nhưng hồi tháng 8 thông báo có thể đạt tới 11 triệu tấn.
Hợp đồng liên chính phủ với Bangladesh về việc bán 150.000 tấn gạo đồ 5% tấm sắp được ký, dự kiến sẽ bắt đầu giao vào tháng tới, theo Bộ trưởng Thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Thái cũng cho biết họ đã có một hợp đồng liên chính phủ bán 100.000 tấn gạo trắng cho Trung Quốc vào năm 2018.
Năm 2016, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 9,63 triệu tấn.
Nigeria đặt mục tiêu sản xuất 7 triệu tấn gạo năm 2018
Nigeria sắp đạt mục tiêu tự cung tự cấp lương thực vì Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 7 triệu tấn gạo trong năm 2018, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Văn hóa, ông Lai Mohammed.
Theo ông Mohammed, nhu cầu gạo của nước này năm 2015 là 6,3 triệu tấn, và với những nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích sản xuất lúa gạo, nhập khẩu mặt hàng này đã giảm từ 644.131 tấn năm 2015 xuống 21.000 tấn năm 2017.- Reuters
Campuchia tiếp tục theo đuổi hợp đồng bán gạo cho Bangladesh
Các nhà chức trách Bộ Thương mại cùng các đại diện khu vực tư nhân sẽ tới Bangladesh trong tháng tới để thảo luận về một thỏa thuận mua bán gạo mới, khi phía Bangladesh đã hủy một hợp đồng gạo với Campuchia gần đây.
Các thỏa thuận mua gạo Campuchia là một phần trong biên bản ghi nhớ (MoU) mà hai bên ký kết vào tháng 8 vừa qua, theo đó Campuchia sẽ bán khoảng 1 triệu tấn gạo cho Bangladesh trong vòng 5 năm tới, đến năm 2022. Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Long Kem Vichet cho biết cả hai nước hiện dang đàm phán một thỏa thuận mua bán gạo mới dựa trên MoU này. “Sau nhiều lần đi vào ngõ cụt, các cuộc đàm phán về thương vụ gạo này vẫn chưa đến hồi kết. MoU mà Campuchia ký kết với Bangladesh vẫn có hiệu lực và chúng tôi vẫn đang giao gạo cho Bangladesh nhưng sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận mua mới. Trong tháng 12, phía Campuchia sẽ tới Bangladesh để thảo luận chi tiết về thỏa thuận mới này”.
Bangladesh vừa qua đã hủy hợp đồng mua 250.000 tấn gạo trắng từ Campuchia do phía bán giao hàng không đúng hẹn. Theo ông Hun Lak, phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), thỏa thuận bị hủy bỏ do Bangladesh đưa ra yêu cầu quá cao về quy trình xuất khẩu.
Chính phủ Iran tạm dừng lệnh cấm nhập khẩu gạo đến tháng 7/2018
Bộ Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại Iran ngày 21/11 quyết định gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo theo mùa vụ từ ngày 22/11 đến ngày 22/7/2018, trang Financial Tribune cho biết.
Hàng năm vào vụ thu hoạch lúa, chính phủ Iran lại ban hành lệnh cấm nhập khẩu gạo nhằm hỗ trợ nông dân và ngành gạo nội địa. Thuế nhập khẩu gạo cũng tăng lên 40% vào thời điểm hiện tại, từ mức 22% từ mức 4 năm trước.
Tuy nhiên, để “lách” lệnh cấm nhập khẩu gạo, các doanh nghiệp của Iran luôn tìm cách xin giấy cấp phép nhập khẩu trước lệnh cấm có hiệu lực.
Iran tiêu thụ 3 triệu tấn gạo mỗi năm trong khi sản lượng gạo nội địa chỉ đạt 2,2 triệu tấn. Vì vậy, mỗi năm nước này phải nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo.
“Chúng tôi cần nhập khẩu gạo, nhưng phải nhập khẩu ở mức hạn chế và có kiểm soát,” hãng thông tấn Mehr trích lời Bộ trưởng Nông nghiệp Iran cho biết.
Trong nửa đầu năm nay theo lịch của Iran (ngày 21/3 – ngày 22/9), Iran đã nhập khẩu hơn 1,05 triệu tấn gạo lứt hoặc gạo xát, với trị giá đạt 996 tiệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu gạo tăng 84,4% về lượng và 108,4% về trị giá.
Nhập khẩu gạo chiếm 6% về lượng và 4,2% về trị giá trong tổng nhập khẩu hàng hóa của Iran trong cùng kỳ.
Iran chủ yếu nhập khẩu gạo từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Trung Quốc giúp Brunei tăng sản xuất gạo
Brunei đang nỗ lực tăng hiệu quả sản xuất gạo bằng cách đưa các giống lúa lai của Trung Quốc vào gieo trồng. Phía Trung Quốc cũng giúp đào tạo, tập huấn cho Bruney về phương pháp sản xuất lúa.
Theo Bộ Nông nghiệp nước này, tổng sản lượng gạo Brunei năm 2016 chỉ đạt 1.500 tấn. Nước này muốn nâng sản lượng lên 11.500 tấn vào năm 2020 bằng cách tăng năng suất ở những vùng có hệ thống thuỷ lợi qua việc sử dụng các giống lúa lai.
Philippines: Sản lượng lúa năm 2017 sẽ đạt kỷ lục 19,4 triệu tấn
Cơ quan thống kê của Philippines cho biết sản lượng lúa nước này năm nay dự kiến tăng 10,1% so với năm ngoái lên kỷ lục 19,409 triệu tấn.
Trong quý 1/2018, sản lượng dự báo tăng 2,6% lên 4,533 triệu tấn.
Sản lượng tăng giúp Philippines giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Lần gần đây nhất nước này mua gạo là tháng 7 với 250.000 tấn thông qua hình thức đấu thầu.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet