Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá khoảng 363 – 371 USD/tấn, so với 362-369 USD/tấn cách đây một tuần.
“Đồng rupee bắt đầu tăng giá, do đó chúng tôi phải điều chỉnh giá xuất khẩu”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Rupee đã tăng 0,4% trong phiên 15/11/2018, lên mức cao nhất gần 8 tuần, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
Tại các bang miền Nam và Đông nước này, nguồn cung vụ mới bắt đầu có mặt trên thị trường, nhưng giá đắt hơn bởi Chính phủ đã nâng giá thu mua cố định.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ giai đoạn tháng 4 – 9/2018 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5,8 triệu tấn, do khách hàng số 1 là Bangladesh giảm mua.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá 380 – 398 USD/tấn, (FOB) Bangkok, không thay đổi so với cách đây một tuần.
“Có một số hợp đồng nhỏ tại các thị trường như Nhật Bản, song không ảnh hưởng nhiều tới giá”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Bangkok cho biết, và thêm rằng: “Các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện đang theo dõi sát khách hàng Philippines vì Chính phủ Philippines sẽ mở thầu trong tuần tới”.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines “NFA” ngày 20/11/2018 sẽ mở thầu quốc tế để nhập khẩu 500.000 tấn gạo, và các nhà xuất khẩu Thái Lan hy vọng sẽ ký được hợp đồng lớn trước khi bước sang tháng 12, thời điểm thuận lợi vì cũng sắp vào vụ thu hoạch lúa.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá vẫn ở mức 415- 420 USD/tấn như cách đây một tuần.
“Chúng tôi không ký bất kỳ hợp đồng mới nào trong tháng qua vì nguồn cung trong nước khan hiếm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, và thêm rằng: “Chúng tôi không thể đảm bảo nguồn cung vào lúc này”.
Ai Cập đã nhận giá bỏ thầu đối với 500.000 tấn gạo chào mua vào đầu tuần này, trong đó bao gồm 50.000 tấn từ Việt Nam. Nguồn cung của Việt Nam sẽ không tăng lên cho đến cuối tháng 1/2019, khi vụ Đông Xuân vào giai đoạn thu hoạch cao điểm.
Một số thông tin liên quan
Myanmar thu trên 435 triệu USD từ xuất khẩu gạo trong 7 tháng
Liên đoàn Gạo Myanmar đưa tin, nước này đã thu được 435,96 triệu USD từ xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo và tấm tính từ 1/4 tới 26/10/2018. Khoảng 53,4% gạo và tấm xuất khẩu qua đường biên giới, phần còn lại bằng đường biển.
Trong tài khóa 2017/18, Myanmar đã xuất khẩu được 2,89 triệu tấn gạo và 620.696 tấn tấm, trị giá trên 1,11 tỷ USD. Khoảng 60% gạo xuất khẩu của Myanmar sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu qua đường biên giới; phần còn lại đến các thị trường châu Á khác và các thành viên Liên minh châu Âu cùng một số thị trường châu Phi.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4-9/2018 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5,8 triệu tấn, chủ yếu bởi nước láng giềng Bangladesh giảm mua.
Việc Iran giảm nhập khẩu cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Ấn Độ. Trông 8 tháng đầu năm Iran hiện tại (21/3-22/10/2018), Iran nhập khẩu 958.000 tấn gạo, trị giá 985,4 triệu USD, giảm 12,54% về lượng và 4,21% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Iran thường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.
Tùy viên Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Ấn Độ đã hạ dự báo về xuất khẩu gạo nước này năm 2018/19 xuống 12,5 triệu tấn. Số liệu ước tính về xuất khẩu trong tài khóa 2017/18 cũng được điều chỉnh giảm xuống 12,2 triệu tấn do xuất khẩu trong quý 4 chậm lại.
Xuất khẩu gạo của Campuchia giảm hơn 13% trong 10 tháng đầu năm
Phó Chủ tịch và Giám đốc quản lý của Hiệp hội Gạo Amru Campuchia cho biết, xuất khẩu gạo của quốc gia này giảm 13,2% trong 10 tháng đầu năm vì Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua gạo và hạn ngạch 300.000 tấn gạo xuất khẩu sang Trung Quốc không sử dụng hết.
Báo cáo từ Văn phòng dịch vụ một cửa cho xuất khẩu gạo (SOWS-REF) cho biết, tính đến tháng 10, Campuchia xuất khẩu 434.807 tấn gạo, so với mức 492.115 tấn so với cùng kì năm ngoái.Trong đó, Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu khối lượng gạo lớn nhất từ Campuchia (110.000 tấn), theo sau là Pháp (60.000 tấn) và Malaysia (30.000 tấn).
Philippines chính thức thông qua dự luật tự do hóa nhập khẩu gạo
Thứ Tư (14/11), chính phủ Philippines đã phê duyệt lần thứ ba và lần cuối cùng dự luật tự do hóa nhập khẩu gạo, một biện pháp mà chính phủ đang phụ thuộc vào để giảm giá bán lẻ của mặt hàng thiết yếu xuống khoảng 7 peso/kg và giảm lạm phát 0,7 điểm phần trăm sau khi lên cao nhất trong nhiều năm. Theo đó, Hạ viện đã phê chuẩn phiên bản dự thảo ngày 14/ 8 của mình.
Dự luật Thượng viện số 1998 sửa đổi Đạo luật Cộng hòa số 8178, hay Đạo luật thuế nông nghiệp, thông qua việc thay thế các hạn chế nhập khẩu định lượng hiện tại đối với gạo bằng thuế quan.
Theo dự luật, nhập khẩu gạo từ các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bị áp thuế 35%, trong khi mức thuế 50% sẽ được áp lên hàng nhập khẩu từ các quốc gia không phải là ASEAN.

Nguồn: Vinanet