Dẫn nguồn tin từ Thời báo kinh tế, thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, giá bán thanh long tại Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức trung bình 16.600 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì mức giá này chỉ tương đương, tuy nhiên theo khảo sát thực tế của địa phương này, trong 6 tháng cuối năm giá bán thanh long sẽ tăng cao hơn năm ngoái từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do thời điểm tháng 9 vào lứa hàng mùa cuối sản lượng lớn, vì vậy người nông dân đã triển khai chong điện lại nhiều pha và kéo dài hàng điện tới đầu tháng 6.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, diện tích thanh long đang cho thu hoạch khoảng trên 25.000 ha thì riêng sản lượng hàng mùa đạt từ 150.000 - 200.000 tấn (từ tháng 5 đến cuối tháng 9).
Hàng điện (trái trồng có kéo điện) năm nay dự kiến sản lượng sẽ tăng cao và có sớm, sản lượng điện sẽ kéo dài có từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 5/2020 nên sản lượng khá cao, khoảng 500.000 tấn.
Về mức giá, hàng mùa đến tháng 6/2019 có giá trung bình khoảng 13.800 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5.000 đồng/kg.
Riêng hàng vụ nghịch năm 2019, dự kiến giá trung bình là 16.600đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với năm 2018.
Sản lượng và mức giá tăng cao khiến cho thu nhập của người nông dân trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng tăng cao hơn so với năm ngoái.
Song song với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, dự kiến hàng điện giá còn tiếp tục tăng do Trung Quốc gia tăng tiêu thụ chính ngạch.
Tính bình quân, lợi nhuận trung bình/ha đã trừ chi phí của người nông dân lên đến 200 triệu đồng/ha (với giá 15.000 đồng/kg).
Đặc biệt trong thời gian tới, mặt hàng thanh long của địa phương này sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Chile, Argentina, Thụy Sĩ, Ấn Độ...
Được biết, Bình Thuận là khu vực có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất so với cả nước, đạt trên 26.500 ha, sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm.
Trong đó, hơn 10.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGap; gần 1.500ha đã được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 262ha được cấp chứng nhận GlobalGap...
Hiện nay, thanh long được trồng trên 10 huyện, thị xã, thành phố tại Bình Thuận; tập trung trồng nhiều tại huyện Hàm Thuận Nam (12.497ha), Hàm Thuận Bắc (8.970ha) và Bắc Bình (4.060ha).
Ngược lại với trái thanh long, chôm chôm tại Đồng Nai giá giảm mạnh. Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm nay giá chôm chôm tại vườn lao dốc. Là tỉnh có sản lượng chôm chôm nằm trong top dẫn đầu nhưng đa phần hàng chỉ bán trong nước, lượng hàng xuất khẩu chưa nhiều.
Hiện giá chôm chôm bán buôn tại vườn chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nếu bán lẻ có giá 7.000 đồng/kg – mức giá này giảm 50% so với năm ngoái.
Nguyên nhân giá giảm do năm nay chôm chôm được mùa. Giá giảm mạnh nên nhiều thương lái, tiểu thương gom hàng lên Tp.HCM bán lẻ ở lề đường chỉ 15.00 đồng/kg cho loại chôm chôm tróc hạt, còn chôm chôm nhãn cũng chỉ 30.000 đồng/kg.
Chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp nên từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu Trí tuệ bình chọn vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là trái chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (giống chôm chôm Java).
Nguồn: VITIC/VnEconomy, VnExpress

Nguồn: Vinanet