Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 24/6. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về lượng và giảm 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2019 và dự báo sẽ là cả năm 2019. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tồn kho cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2019, 3 thị trường trên chỉ nhập khẩu 239.000 tấn gạo của Việt Nam, giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm 2018 (1,44 triệu tấn).
Theo Bộ Công thương, dù đã có những nỗ lực trong thu mua và giữ giá lúa gạo đầu năm cho người trồng lúa, nhưng do chưa có những hợp đồng tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường nên xuất khẩu gạo còn gặp nhiều khó khăn. Điều này tạo áp lực lớn cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu trong thời gian tới.
Theo dự báo tháng 6/2019 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung thóc, gạo thế giới tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất lớn tăng, cụ thể Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn; cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.
Thêm 41 thương nhân được cấp giấy phép xuất khẩu gạo
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đánh giá công tác điều hành xuất khẩu gạo sau gần 9 tháng triển khai Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 107 có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Bộ Công Thương, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng giảm chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho nông dân.
Bên cạnh đó, Nghị định đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận và bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh, thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Nghị định 107 được ban hành (ngày 15/8/2018) đến nay đã có thêm 41 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhận xuất khẩu gạo lên 177 thương nhân. Theo đó, nhiều thương nhân được cấp mới tuy có quy mô không lớn nhưng chú trọng khai thác các thị trường mới, thị trường ngách của sản phẩm gạo.
Đáng chú ý, trong 41 thương nhân được cấp mới chỉ có 12 thương nhân thuê kho và cơ sở xay, xát, chế biến đáp ứng điều kiện kinh doanh (chiếm 29% số thương nhân mới được cấp giấy chứng nhận) và 29 thương nhân có sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Kết quả này cho thấy tuy điều kiện kinh doanh đã được nới lỏng cho phép thuê, nhưng đa phần thương nhận chọn đầu tư, gắn bó lâu dài với sản xuất, xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho hay, doanh nghiệp chưa tận dụng được quy định ưu đãi trong Nghị định 107. Cụ thể, Nghị định quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, hiện chưa có doanh nghiệp xuất khẩu được các loại gạo này theo hướng không cần cấp giấy chững nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, nhiều thương nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Tương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành. Cụ thể, theo danh sách thống kê, đến nay mới có 76/177 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó chỉ có hơn một nửa (39 thương nhân) có báo cáo định kỳ, thường xuyên.
Do đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và tình hình tồn khi để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành.
Nguồn: Baohaiquan.vn