Chỉ số giá lương thực của FAO, theo dõi những thay đổi giá quốc tế hàng tháng của các mặt hàng thực phẩm thường được giao dịch, tháng 1/2021 đạt trung bình 113,3 điểm, đánh dấu mức tăng 4,3% so với tháng 12/2020 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO tăng chủ yếu do giá ngô quốc tế tăng 11,2% so với tháng trước đó và hiện cao hơn 42,3% so với một năm trước đó, tháng 1/2020, phản ánh nguồn cung toàn cầu ngày càng thắt chặt trong bối cảnh Trung Quốc mua đáng kể, sản lượng và dự trữ của Mỹ thấp hơn dự kiến và Argenthia tạm ngừng cho đăng ký xuất khẩu ngô.

Chỉ số giá lúa mì của FAO tháng 1/2021 tăng 6,8% do nhu cầu toàn cầu tăng và dự báo xuất khẩu của Nga giảm sau khi nước này tăng gấp đôi thuế xuất khẩu lúa mì, sẽ áp dụng từ tháng 3/2021. Nhu cầu mạnh mẽ từ người mua châu Á và châu Phi đã củng cố giá gạo tăng.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO cũng tăng 5,8% trong tháng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012. Sản lượng dầu cọ thấp hơn dự kiến ở Indonesia và Malaysia do lượng mưa quá lớn và tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nhập cư liên tục kéo dài là một trong những nguyên nhân làm tăng giá. Bên cạnh đó các cuộc đình công ở Argentina cũng làm giảm khả năng xuất khẩu dầu đậu tương.

FAO cũng đã ban hành bản tóm tắt cung cầu ngũ cốc vào ngày 4/2/2021, một bản cập nhật thường xuyên về xu hướng sản xuất, tiêu dùng, thương mại và tồn kho toàn cầu.

Về mặt sản xuất, ước tính mới của FAO cho năm 2020 ghi nhận sản lượng lúa mì và gạo. Hướng tới sản lượng ngũ cốc đến năm 2021, những triển vọng ban đầu cho thấy cây lúa mì mùa đông ở Bắc bán cầu có khả năng tăng khiêm tốn, nhờ diện tích tăng ở Pháp, Ấn Độ, Liên bang Nga và Mỹ. Sản lượng ngô ở Nam bán cầu dự kiến sẽ giảm phần nào ở Argentina và Brazil từ mức cao kỷ lục nhưng vẫn trên mức trung bình. Triển vọng sản xuất ở Nam Phi và các nước lân cận là thuận lợi.

 

Đồng thời, dự báo của tháng 2/2021 cho thấy khối lượng xuất khẩu thế giới lớn hơn và dự trữ ngũ cốc toàn cầu giảm mạnh.
Trên thế giới, việc sử dụng ngũ cốc trong giai đoạn 2020-21 hiện được dự báo là 2,761 tỷ tấn, tăng 52 triệu tấn so với mùa trước. Dẫn đầu sự gia tăng là việc sử dụng mạnh mẽ ngũ cốc thô làm thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc. Việc sử dụng lúa mì và gạo trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng lần lượt 0,7% và 1,8% trong năm tới.
FAO cũng dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm 2,2% xuống còn 801 triệu tấn, mức thấp nhất trong 5 năm. Điều đó sẽ làm cho tỷ lệ dự trữ trong sử dụng ngũ cốc trên thế giới xuống 28,3%, mức thấp nhất trong 7 năm. Các số liệu mới phản ánh sự điều chỉnh giảm mạnh đối với tồn kho ngô ở Trung Quốc.
Xuất khẩu ngũ cốc thế giới giai đoạn 2020-21 hiện được dự báo ở mức 465,2 triệu tấn, tăng 5,7% so với mức cao kỷ lục của mùa trước. Các ước tính được nâng lên phản ánh một lượng mua ngô lớn của Trung Quốc, đặc biệt là từ Mỹ. Xuất khẩu quốc tế về gạo được dự đoán sẽ còn mở rộng hơn nữa, thêm 7,9%, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu của Ấn Độ.
Các dự báo mới của FAO kết hợp các kết quả của việc xem xét - từ năm 2013-2014 - của bảng cung cầu ngô cho Trung Quốc. Việc nước này mua mạnh mặt hàng ngô trong những tuần gần đây cho thấy nhu cầu về thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và nguồn cung trong nước thấp hơn so với dự đoán trước đó, có thể liên quan đến sự phục hồi nhanh chóng trong sản xuất thịt lợn khi ngành chăn nuôi lợn hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi. 

Nguồn: VITIC/Reuters