Tồn hơn 1.200 xe nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc
Thông tin từ baogiaothong.vn, Bộ Công thương cho biết, hiện tồn 1.257 xe container tại các tuyến biên giới phía Bắc do thông quan chậm. Theo báo cáo cho thấy, số xe container xuất khẩu ngày 22/3 là 1.044 xe, số xe nhập khẩu giảm chỉ còn 727 xe (trước đó, số xe xuất và nhập khẩu gần tương đương nhau). Ngoài ra, tổng số xe tồn gồm 1.257 xe chủ yếu tập trung ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh) 997 xe và 16 toa tàu. Trong đó, gồm 522 xe và 15 toa hàng xuất khẩu; 475 xe và 1 toa hàng nhập khẩu; Tồn 1174 xe hàng, 15 toa hàng chờ xuất.
Như tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), xuất 236 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, máy móc: bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh); Tại cửa khẩu Tân Thanh, xuất 179 xe nông sản, hoa quả (dưa hấu, xoài, thanh long, mít, chuối, chôm chôm, lạc nhân, tinh bột sắn, cây mây khô, giấy...); Tại tỉnh Lào Cai, cửa khẩu quốc tế đường bộ xuất khẩu được 281 xe (thanh long, dưa hấu, xoài, các mặt hàng khác), tổng khối lượng 2.491 tấn, trị giá 1.165 nghìn USD. Tại cửa khẩu quốc tế đường sắt, xuất khẩu 740 tấn (lưu huỳnh quá cảnh); Trị giá 44 nghìn USD; Tại tỉnh Quảng Ninh, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 142 xe. Tại Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), xuất khẩu 19 xe tổng khối lượng 480 tấn (05 xe khoai lang 160 tấn, 14 quả các loại 320 tấn), trị giá 224 nghìn USD. Tỉnh Lai Châu, cửa khẩu Ma Lù Thàng, lũy kế xuất được 392 xe hoa quả, nông thủy sản; Không có xe nhập khẩu và tồn.
Đề xuất đưa mặt hàng thịt lợn vào danh sách bình ổn để dễ quản
Theo baogiaothong.vn, Bộ Công thương đề xuất đưa mặt hàng thịt lợn vào danh sách bình ổn theo Luật Giá để có cơ chế chủ động điều chỉnh được giá thịt lợn hiện nay.
Theo Luật Giá năm 2012 của Quốc hội, Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá khi hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (gọi tắt là Danh mục) phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường; Khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội...
Hàng hóa thuộc Danh mục phải thực hiện đăng ký giá; Kiểm tra yếu tố hình thành giá; Kiểm soát hàng hóa tồn kho; Kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có; Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp.
Ngoài ra, Nhà nước có thể lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá...
Để có cơ chế chủ động điều chỉnh được giá thịt lợn, thì cần thiết phải đưa mặt hàng này vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dự báo giảm ít nhất 20%
Theo congthuong.vn, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu (XK) thủy sản, trong đó, tác động mạnh nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020, khiến kim ngạch XK sang thị trường này giảm mạnh 44%. Dự báo việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch Covid- 19 có thể làm giảm ít nhất 20% XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, tính đến hết tháng 2/2020, XK thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm 44%; XK sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch Covid- 19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu (NK) thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Không chỉ XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng mà XK sang các thị trường khác cũng bị tác động.
VASEP cho rằng, năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu nên các DN phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường.
Trong khi cá tra chịu ảnh hưởng nặng nề thì tính đến hết tháng 2, XK tôm vẫn tăng nhẹ 2,6%, đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản vẫn ổn định, NK vẫn tăng 16%, trong khi XK sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%.
Năm 2020: Ngành gỗ đối diện thách thức không có tăng trưởng
Congthuong.vn đưa tin, tác động từ dịch Covid-19 gây tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản gỗ Việt Nam dự báo năm 2020, có thể lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm qua, ngành gỗ sẽ không có tăng trưởng.
Tác động của dịch Covid-19 tới ngành gỗ và chế biến gỗ là rất lớn. Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, … hiện dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự kiến để ký đơn hàng mới sẽ chậm từ 3 - 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.
Về gỗ nguyên liệu, do khó khăn về logistic, container và tàu biển vận chuyển, đẩy giá bán nguyên liệu tăng lên từ 2 - 3 USD/m3. Một số nguyên liệu đang thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào do gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, hiện chưa tìm được thị trường khác thay thế.
Dăm gỗ, viên nén nguyên liệu mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần 20% đang bị ảnh hưởng nặng do bệnh dịch tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc làm hành trình tàu vận chuyển kéo dài hơn 1 tháng so với trước đây vì thắt chặt kiểm soát dịch bệnh ở cả cảng xuất và cảng nhập; tàu hàng chậm trễ nhận hàng làm tăng chi phí lưu kho bãi, tăng chi phí tài chính - vốn vay.

Nguồn: VITIC