Những sản phẩm nào được gắn logo gạo Việt?

Tại festival lúa gạo Việt Nam lần 3 vừa diễn ra ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt. Đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi, đánh dấu bước đi mới cho ngành lúa gạo Việt Nam sau gần 30 năm tham gia vào thương mại toàn cầu (từ năm 1989). Và vấn đề đang nhận được không ít sự quan tâm của doanh nghiệp là quy định về việc sử dụng logo thương hiệu gạo quốc gia này như thế nào.

Để trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đơn vị được giao quản lý thương hiệu gạo quốc gia, cho biết sẽ có những ràng buộc đối với doanh nghiệp sử dụng logo gạo Việt giống như sử dụng logo thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. “Mục đích của sự ràng buộc này nhằm từng bước tạo sản phẩm chất lượng”, ông nói.

Những “ràng buộc” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rất rõ tại Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS năm 2018 về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam mà doanh nghiệp cần đáp ứng như: tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo; giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, còn một số quy định khác liên quan đến chất lượng, kích cỡ hạt gạo được phân thành ba nhóm gồm gạo trắng, gạo nếp và gạo trắng thơm.

Cũng theo ông Nam, trong quá trình sử dụng logo gạo Việt, doanh nghiệp phải chịu sự giám sát của các cơ quan liên quan trong việc chấp hành các quy định. “Nếu doanh nghiệp đáp ứng tốt thì được duy trì sử dụng logo, còn ngược lại sẽ bị thu hồi”. Trong trường hợp bị thu hồi, doanh nghiệp có thời gian sửa chữa khuyết điểm trong vòng sáu tháng, nếu khắc phục được và có sự đăng ký lại thì sẽ được tiếp tục sử dụng logo thương hiệu gạo quốc gia.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, lưu ý một khả năng gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo quốc gia. “Doanh nghiệp “làm thật” được sử dụng (logo gạo Việt) là đương nhiên, nhưng nhiều khi doanh nghiệp “không làm thật” mà chỉ với những biện pháp đối phó nhưng cũng được sử dụng thì sẽ rất nguy hiểm”. Do vậy, ông Thành cho rằng các tiêu chuẩn đưa ra cần phải đồng bộ cả về chất lượng lẫn sự quản lý.

Thế khó cho logo gạo Việt khi ra thế giới

 “Logo thương hiệu gắn vào sản phẩm là để cho người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm nhưng người ta có cho gắn hay không thì phải có sự đàm phán giữa bên bán và bên mua”.

Trong bối cảnh chung của hoạt động kinh doanh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay vẫn là thông qua các thương nhân nước ngoài, việc đưa logo gạo Việt (cả thương hiệu quốc gia lẫn thương hiệu riêng của doanh nghiệp) như một cách định danh và tạo khả năng nhận diện gạo Việt đối với người tiêu dùng trên thị trường thế giới là không dễ dàng.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết lâu nay đối với những thị trường xuất khẩu tập trung như Philippines, Malaysia, Indonesia…, gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ được ghi dòng chữ “gạo xuất xứ Việt Nam” trên bao bì khi cập cảng. Còn khi phân phối ở thị trường nước ngoài, các nhà phân phối đóng nhãn mác của họ chứ không để thương hiệu của doanh nghiệp Việt. Theo ông Bình, dù mỗi năm Việt Nam cung cấp khoảng 6 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới nhưng có chưa đến 500.000 tấn được mang thương hiệu của doanh nghiệp đến tới tay người tiêu dùng các nước nhập khẩu. “Vì chúng ta kinh doanh theo kiểu chúng ta cần bán hàng thì phải chấp nhận tất cả những yêu cầu của đơn vị phân phối ở nước nhập khẩu. Trong khi đó, họ không muốn giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam đến với người tiêu dùng mà chỉ muốn quảng bá nhãn mác của họ mà thôi”, ông giải thích.

Tại một hội nghị lúa gạo diễn ra mới đây ở Cần Thơ, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phân tích thị trường (Agromonitor), cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo vẫn hết sức khó khăn. “Tôi biết có một số doanh nghiệp trực tiếp đưa được gạo đến người tiêu dùng nước nhập khẩu nhưng số lượng đó là rất nhỏ và cũng rất khó có thể đạt tới quy mô lớn”. Theo ông Diệu, đây là bài toán liên quan đến rất nhiều yếu tố bao gồm cả vấn đề tài chính.

Còn thông tin từ phía ông Thành của Phước Thành IV, gần đây đã có doanh nghiệp tiên phong lập liên danh với đối tác nước nhập khẩu để đồng sở hữu thương hiệu gạo. Đây cũng được xem là một hướng mở cho việc định danh gạo Việt với người tiêu dùng các nước nhập khẩu. Bản thân Phước Thành IV cũng chuẩn bị “bắt tay” với một đối tác Trung Quốc để đồng sáng lập một thương hiệu gạo khi bán tại thị trường nước này.

Nhìn vấn đề trên bình diện rộng hơn, ông Bình của Trung An cho rằng để có thể trực tiếp đưa thương hiệu gạo Việt vào thị trường các nước thì cần có sự đàm phán, thỏa thuận quy định việc sử dụng, lưu thông thương hiệu gạo giữa Việt Nam và nước nhập khẩu. “Logo thương hiệu gắn vào sản phẩm là để cho người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm nhưng người ta có cho gắn hay không thì phải có sự đàm phán giữa bên bán và bên mua”, ông nói.

Nguồn: Thesaigontimes.vn