Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ lúa vụ đông xuân để đảm bảo ổn định giá cho nông dân.

Tứ bề khó khăn

Ông Huỳnh Minh Huệ – Tổng Thư ký VFA, thông tin, cùng với việc tăng năng suất, sản lượng ở nhiều nước trồng lúa, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016 – 2017 được giới phân tích dự báo sẽ đạt mức kỷ lục, khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%. Tồn kho gạo toàn cầu cũng được dự báo phồng lên ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay. Đáng chú ý, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính lại giảm đáng kể, trong khi tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.

Trong khi đó, những năm trước, các nước khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia nhập khẩu gạo Việt Nam lên đến 2-3 triệu tấn theo các hợp đồng tập trung, nhưng đến năm 2016, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực và đã đạt được những kết quả ban đầu; từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Đồng thời, xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo ngày càng phổ biến ở các nước này khiến các hợp đồng tập trung tiếp tục suy giảm. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu gạo trong khu vực.

Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), phân tích, ngoài những thị trường truyền thống ở châu Á, gạo Việt Nam hiện chỉ còn giữ được tỉ trọng gạo thơm tại một số thị trường như châu Phi, Đài Loan, Hongkong. Trước đó, châu Phi là thị trường gạo trắng rất lớn của Việt Nam nhưng từ năm 2011, các doanh nghiệp của ta cũng đã để vuột mất thị trường này vào tay đối thủ nước khác.

Nếp cũng sẽ khó tiêu thụ

Theo VFA, thị trường lớn nhất của nếp Việt Nam cũng là Trung Quốc, có đến 90% sản lượng nếp Việt Nam xuất sang thị trường này. Lâu nay, Trung Quốc không áp quota cho sản phẩm này, tuy nhiên, sắp tới, nước này cũng sẽ áp quota nhập khẩu nếp. Do đó, việc xuất khẩu nếp cũng sẽ gặp nhiều hạn chế.

Ngay như Trung Quốc -thị trường chính của gạo Việt Nam, mới đây rất nhiều rào cản đã được đặt ra, đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó. Ông Năng dẫn chứng, trong số 150 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo do VFA giới thiệu để phía Trung Quốc sang kiểm tra, họ cũng chỉ “bốc ra” 31 đơn vị để kiểm tra. Kết quả, chỉ có 22 doanh nghiệp đạt yêu cầu.

“Trung Quốc xưa nay là thị trường lớn và thường được gọi là thị trường dễ tính, tuy nhiên các khái niệm này giờ không còn phù hợp nữa khi nước này liên tục đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… để siết chặt nhập khẩu gạo từ Việt Nam” – ông Năng tỏ ra lo lắng.

Lo ế lúa vụ đông xuân 2017

Trước áp lực về thị trường, nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ rất khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân sắp tới. Ngay cả gạo nếp, lâu nay vốn luôn dễ dàng tiêu thụ thì nay cũng sẽ rơi vào tình trạng cung vượt cầu.

Ông Huỳnh Thế Năng chia sẻ, việc nhu cầu nhập khẩu còn rất yếu, các thị trường không có tín hiệu gì mới đã khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo như “ngồi trên lửa”. Do đó, cuối tháng 12 vừa qua, vì quá sốt ruột, đại diện VFA đã sang Indonesia để tìm kiếm đơn hàng. Tuy nhiên, nước này cũng quả quyết tăng cường tự túc lương thực và sẽ không nhập khẩu thêm gạo trong năm tới. “Cả năm 2016 Indonesia cũng không nhập hạt gạo nào của Việt Nam, và thời gian tới cũng thế. Do đó, dự báo vụ đông xuân 2017 sắp tới sẽ rất khó khăn trong tiêu thụ” – ông Năng nhận định.

Cũng theo nhận định của VFA, do nhu cầu thị trường ế ẩm, dự báo Việt Nam sẽ chỉ xuất được khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm 2017. VFA đã kiến nghị Chính phủ cho mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2016 – 2017 để ổn định giá thị trường, đảm bảo mức lãi tối thiểu cho nông dân.

Trong khi đó, tại một số tỉnh ĐBSCL, nông dân đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ đông xuân sớm. Năng suất thấp do thời tiết bất lợi, thị trường chưa sáng sủa khiến doanh nghiệp thu mua cũng khá chậm… khiến nhiều nông dân không vui khi ra đồng dịp đầu năm.

Ông Nguyễn Thanh Trị (ngụ xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang), cho biết, hơn 3 công lúa đông xuân nhà ông năm nay thất thu rõ rệt, phần vì thời tiết khó khăn nên năng suất giảm mạnh, phần vì chi phí giá thành tăng cao trong khi thương lái cứ ngang qua ruộng mà… “chẳng nói năng gì” việc thu mua lúa sớm.

Theo ước tính của bà con, chi phí cho mỗi công lúa đông xuân sớm năm nay đạt gần 2 triệu đồng, cao hơn khoảng 300.000 đồng so với vụ đông xuân năm trước. Trong khi đó, giá thu mua cũng chỉ ở mức 4.300-4.400 đồng/kg đối với giống IR 50404, giống OM 5451 dao động từ 4.700-4.800 đồng/kg, giống RVT từ 5.200-5.300 đồng/kg. Do đó, mức lợi nhuận của bà con có lúa thu hoạch vào thời điểm này đạt thấp, có hộ còn không có lời vì chi phí đầu tư cao.

Nguồn: tintucnongnghiep.vn