Trái ca cao không sợ lao đao vì Covid-19

Ông Trương Văn Mỹ ở xã Suối Cát là người tiên phong đưa cây ca cao về phát triển trên vùng đất của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Ông Mỹ ấp ủ giấc mơ với cây ca cao đã từ lâu. Mãi đến năm 2009, ông mới có cơ hội đưa ca cao về trồng xen kẽ trong vườn điều của gia đình.

Ông Trương Văn Mỹ bên vườn ca cao của gia đình. (Ảnh: Lê Tùng)

 Ông Trương Văn Mỹ bên vườn ca cao của gia đình. (Ảnh: Lê Tùng)
Nhu cầu nguyên liệu ca cao trên thế giới tăng cao, trong khi cây ca cao rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Ông Mỹ đánh giá, đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng rãi. 
Sau vài năm canh tác, vườn ca cao 4ha của gia đình ông đã được các công ty hợp đồng bao tiêu thu mua với giá cả ổn định.
Thấy việc làm ăn thuận lợi, ông Mỹ tiếp tục giới thiệu cho các nông hộ khác trong xã tham gia để cùng mở rộng diện tích.
Giữa năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát được thành lập do ông Mỹ làm giám đốc. Hợp tác xã hiện có 22 thành viên với diện tích canh tác 25ha.

Cây ca cao rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu huyện Xuân Lộc. (Ảnh: Trần Khánh)

Cây ca cao rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu huyện Xuân Lộc. (Ảnh: Trần Khánh)
Ông Mỹ kể, hợp tác xã đang liên kết với Công ty ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các xã viên.
Với mức giá được ký kết là 6.000 đồng/kg, người trồng ca cao vẫn có thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Liên kết đầu ra tạo thu nhập ổn định cho người trồng trái ca cao
Từ khi được Công ty ca cao Trọng Đức bao tiêu sản phẩm, chưa năm nào trái ca cao ở xã Suối Cát bị tư thương ép giá, giúp cuộc sống của thành viên luôn ổn định.
"Trong lúc các vùng trồng cây ăn trái khắp địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trái ca cao vẫn đang mang lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định", ông Mỹ nói.
Ông Đặng Trường Khanh - Giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức cho biết, công ty ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân với giá sàn trong thời hạn 5 năm. Mỗi năm lại có mức giá sàn riêng để đảm bảo lợi ích cho nông dân.
"6.000-6.200 đồng/kg là mức giá từng năm được duy trì suốt thời gian qua để nông dân yên tâm chăm sóc vùng nguyên liệu cho hiệu quả", ông Khanh nói.

Sơ chế hạt ca cao ở hợp tác xã ca cao Suối Cát. (Ảnh: Trần Khánh)

Sơ chế hạt ca cao ở Hợp tác xã ca cao Suối Cát. (Ảnh: Trần Khánh)
Không chỉ dừng lại trong việc cung cấp hạt ca cao thô, Hợp tác xã ca cao Suối Cát còn mạnh dạn hợp đồng với công ty Marou, một doanh nghiệp chế biến socola uy tín của Pháp để cung cấp hạt ca cao đã qua công đoạn ủ men sơ chế.
Ông Mỹ cũng cho biết, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Mô hình du lịch sinh thái vườn ca cao của hợp tác xã khởi động từ đầu năm 2021 bị chững lại.
Tuy nhiên, các thành viên của hợp tác xã vẫn có thu nhập khá ổn định từ việc thu hoạch và bán các sản phẩm từ ca cao.
Hiện tại HTX đã tự sản xuất tại chỗ các loại socola, bột socola và rượu làm từ ca cao để cung cấp cho thị trường.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai có khoảng 516ha ca cao với năng suất khoảng 4.500 tấn trái tươi mỗi năm. Diện tích cây ca cao trong những năm gần đây đã tăng khoảng 20%.

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, chính quyền địa phương đang hỗ trợ hợp tác xã xây dựng cánh đồng lớn ca cao với diện tích khoảng 70 ha tại các xã Suối Cát, Xuân Thọ và Xuân Bắc.

Theo ông Linh, nhờ các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên thu nhập nông dân trồng ca cao ổn định. Đây là điều kiện để giới thiệu chất lượng ca cao xuân lộc đồng nai ra thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn: Trần Khánh/Dân Việt