Diễn biến thị trường cà phê từ 11/9 - 16/9: Sàn arabica trở thành đầu kéo cho giá kỳ hạn robusta và thị trường nội địa
Sau một tuần tính đến hết ngày giao dịch 15/9, giá trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu, có giá đóng cửa thêm được 32 Usd/tấn chốt 1992 Usd so với tuần trước đó 1960 Usd/tấn. Tuy nhiên dao động giữa mức cao và thấp nhất trong tuần đo được 72 Usd giữa 2008 và 1936 Usd/tấn (xem hình 1).

Thật ra, giá tăng tuần qua trên sàn robusta chủ yếu chỉ là một cú “ăn theo” nhờ sàn arabica New York dũng mãnh.

Trên sàn arabica, nơi cà phê của Brazil và các nước Nam Mỹ sử dụng làm tham chiếu, thời gian qua giá tăng rất mạnh. Cả tuần, giá arabica tăng 10.75 cts/lb hay 237 Usd/tấn để chốt mức 141.40 cts/lb, là mức cao nhất tính từ cả tháng nay. 
Giá arabica tăng được cho là nhờ hội tụ đủ các yếu tố tích cực: thông tin về thời tiết khô hanh tại vùng cà phê arabica Brazil có thể gây ảnh hưởng đến sản lượng arabica nước này năm 2018, chỉ số đồng Usd tiếp tục yếu, các quỹ đầu tư phải mua bù cho lượng dư bán khá lớn tuần trước đó và cuối cùng là yếu tố kỹ thuật trên sàn ấy tạo điều kiện cho hướng tăng.
Hai sàn đều có giá tăng đã giúp giá cà phê nội địa tại Việt Nam giao dịch cuối tuần qua ở 44,5 triệu đồng/tấn, tăng 0,5 triệu đồng/tấn so với tuần trước đó, sau khi giảm xuống chạm 43 triệu đồng/tấn trong tuần.
Dự báo giá cà phê tuần từ 18/9 - 23/9: Giá robusta tuần này vẫn phụ thuộc vào sàn arabica. 
Không ít lần trong tuần, giá hai sàn kỳ hạn arabica và robusta giao dịch ngược hướng nhau, chủ yếu là robusta giảm arabica tăng. 
Dùng lý do thời tiết khô hanh tại vùng cà phê arabica Brazil làm cái cớ để arabica tăng, chứ thật ra vị thế kinh doanh của hai sàn nghịch nhau khi mùa vụ cà phê mới của Việt Nam đang cận kề. 
Thế mà trên sàn London các quỹ đầu tư còn giữ lượng dư mua hàng giấy đến 102.790 tấn còn New York lại dư bán đến 539.401 tấn. Muốn nói rằng nếu London bán tất toán giá phải giảm và New York mua thanh lý giá phải tăng. 
Trên sàn robusta, bức tranh kỹ thuật tuần qua rất tiêu cực vì giá hoạt động dưới áp lực giảm. Đến trước khi mở cửa ngày 18/9, giá London vẫn còn nằm xa dưới các mức bình quân động (BQĐ), tức 1992 Usd/tấn của mức đóng cửa so với 2035 và 2054 của mức bình quân động 50 và 100 ngày (xem hình 2). 
Như vậy, giá robusta tuần này vẫn phụ thuộc vào sàn arabica.

Trong khi đó, bức tranh kỹ thuật giá arabica còn rất tích cực: giá đóng cửa 141.40 cts/lb nằm trên các mức BQĐ 20/50 và 100 ngày và chỉ còn 2 cts nữa là có thể vượt mức BQĐ 200 ngày để làm chuyện lớn. 

Các mức kỳ vọng cho giá arabica tuần này ngoài phải vượt mức BQĐ 200 ngày là các mức 144.35 lập ngày 11/08 và khu vực 147-147.25 cts/b lập ngày 08/08. Đi xa hơn là lấy lại đỉnh 151/153 lập trong khoảng thời gian tháng 03 và 04/2017 (xem hình 3). 
Vấn đề còn lại là tuần qua sàn New York tăng quá nóng, thị trường dễ vào khu vực “bán quá mức” để cần thiết phải có đợt chỉnh xuống. 
Những gì xảy ra trong tuần qua với sàn London giữa một thị trường kỳ hạn arabica cực kỳ sôi động, chưa cho phép ta nhìn giá London theo chiều tích cực trừ phi có lúc nào đó giá đóng cửa phóng khỏi mức BQĐ 20 ngày tức tại khu vực 2015. 
Thị trường cà phê trong nước: Cần tạo sức bật cho giá robusta, nhưng bằng cách nào? 
Do giá kỳ hạn robusta yếu, có lúc xuống dưới 1950 Usd/tấn, giá cà phê nội địa tại các vùng nguyên liệu lại quay về mức 43 triệu đồng/tấn nhưng rồi cũng chỉ dừng ở đó.
 Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng sức bung giá cà phê robusta nội địa và trên sàn kỳ hạn London không có cơ hội vì lượng giao giao hàng bán không mạnh để làm vơi đi tồn kho nhằm giúp giá nội địa và kỳ hạn có cơ hội có đợt tăng mới. 
Nếu như sàn arabica chịu tăng cực mạnh lên thêm 10 cts/lb, chắc sẽ giúp London vượt khỏi các mức kỹ thuật tích cực để xoay chiều. 
Trong tình hình sàn arabica đã qua nhiều ngày tăng nóng, sợ vì sức bán từ Brazil ra nhờ giá arabica cao, sẽ kéo lùi giá sàn New York lại và giá robusta không có cơ hội trong tuần này.
Nếu thế, chỉ mong giá nội địa quanh mức hiện nay 44,5 triệu đồng/tấn với mức +/- 0,5 triệu đồng/tấn. 
Nên đừng nghĩ xuất khẩu giảm, sức bán yếu mà có thể làm cho giá kỳ hạn và nội địa tăng. Thị trường cà phê nay khác trước ở chỗ đó.
Nguyễn Quang Bình và cộng sự
 Nguồn: NCIF/BNEWS