Niên vụ cà phê mới bắt đầu
Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đã chọn ngày 1/10 hàng năm làm Ngày cà phê Thế giới nhằm tôn vinh người nông dân làm ra hạt cà phê và các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng mặt hàng thức uống hấp dẫn nhất hành tinh này. 
Năm nay, ngày chuyển niên vụ gặp đúng ngay thời điểm vừa cuối tuần, cuối tháng, cuối quý vừa là cuối niên vụ. Khắp nơi trên thế giới từ các nước sản xuất đến trung tâm tiêu thụ đã có những hoạt động ý nghĩa để cảm ơn người làm ra hạt cà phê. 
Ngay tại Hoa Kỳ và nhiều nước ở châu Âu, trong dịp cuối tuần, nhiều thương hiệu, hàng quán cà phê mở cửa cho khách thưởng thức cà phê miễn phí, tạo nên không khí vui tươi mừng ngày đầu niên vụ mới, đồng thời là dịp khuyến mãi tưng bừng và thiết thực cho các thương hiệu cà phê thế giới. 
Điểm lại diễn biến thị trường niên vụ 2016/17: Đầu năm được giá, cuối năm mất giá

Điều đáng nói nhất về thị trường cà phê niên vụ vừa qua là đầu năm được giá nhưng cuối năm lại mất giá. Nếu như so giá đóng cửa ngày đầu niên vụ bắt đầu từ 01/10/2016 và giá ngày cuối 30/09/2017, giá trị cà phê trên sàn robusta London giảm 1,55% nhưng arabica New York giảm đến 14,83%. Dao động trên hai sàn kỳ hạn khá mạnh. 

Lấy giá đóng cửa kỳ hạn robusta ngày cuối niên vụ 29/09/17 làm chuẩn là 1968 USD/tấn, giá London giao dịch trong năm qua có lúc leo lên đỉnh tại 2282 nhưng có khi xuống đáy 1839 Usd/tấn, cách nhau 443 Usd; tương ứng với giá New York cuối niên vụ chốt mức 128.10 cts/lb và có đỉnh trong năm là 176 cts/lb và đáy 113 cts/lb, 1389 Usd/tấn cách biệt! (Xem hình 1) 
Trên thị trường cà phê nội địa, giá đầu niên vụ 1/10/2016 quanh mức 42 triệu đồng/tấn nhưng khi gay go nhất cũng chỉ xuống nhanh 41 triệu đồng/tấn xảy ra vào cuối tháng 06/2017. Đỉnh giá cà phê nội địa năm nay có khi chạm nhanh mức 48 triệu đồng/tấn. Ngoài vài lần chạm đỉnh và đáy, thị trường nội địa khá bình yên trong khu vực từ 43-46 triệu đồng/tấn.
 Giá cà phê trong nước từ thời điểm “giao thừa” đến ngày đầu niên vụ mới quanh mức 43,5 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2016 chừng 1,5 triệu đồng/tấn.
 Riêng tuần qua, sàn kỳ hạn robusta theo hướng yếu, so với cuối tuần trước giảm 37 Usd/tấn với dao động trong tuần giữa đỉnh 2023 và đáy 1921 Usd/tấn để đóng cửa ngày cuối vụ tại 1968 Usd/tấn. 
Dự báo giá cà phê tuần từ 2/10 - 7/10: Tồn kho và kỹ thuật còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho giá cà phê

Con số chính thức về tồn kho cà phê có khả năng tham gia đấu giá trên hai sàn cà phê cho thấy tính đến 29/9 tồn kho arabica đạt chuẩn là 108.341 tấn, đến hết ngày 22/9 tồn kho của sàn robusta là 147.370 tấn. 

Như vậy, so với đầu tháng 6/2017 đến nay, tồn kho đạt chuẩn của sàn arabica tăng, nhưng sàn robusta giảm. Tuy nhiên, trong mấy tuần gần đây, tồn kho đạt chuẩn robusta có dấu hiệu tăng.
Cần thấy rằng dù tồn kho đạt chuẩn thực tế giảm, nhưng một lượng tồn kho đang được các hãng kinh doanh robusta “lành nghề” đầu cơ tích trữ đang cất giấu tại các nước sản xuất và nằm rải rác các kho cảng ở các nước tiêu thụ chừng trên dưới 350.000 tấn.
 Lượng tồn kho này có thể đưa vào kho thuộc sàn để trở thành hàng đạt chuẩn, tức là có giấy chứng nhận chất lượng để tham gia đấu giá trên sàn. 
Tồn kho ấy đang trở thành áp lực lớn cho giá trong những ngày tới tính đến hết quý 4-2017 hay ba tháng đầu niên vụ mới 2017/18. 
Cà phê trong kho còn đầy, cộng với áp lực bán hàng vụ mới nay mai từ Brazil và Việt Nam, hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đấy sẽ là gánh nặng lên giá cho các nước sản xuất.
Riêng về kỹ thuật cho sàn kỳ hạn robusta thời gian trước mắt, tuần qua sau khi về chạm 1921 Usd/tấn, giá London từ chối rớt sâu hơn như hai lần đã xảy ra trước đây (xem hình 3), giá robusta bật lên lại ngày giao dịch cuối tuần trước nhưng đáng tiếc chỉ vượt qua mốc bình quân động (BQĐ) 20 ngày rồi về đóng cửa mức 1968 Usd/tấn. 
Nhìn theo hướng tích cực, nếu như London chọn khu vực 1915-1920 là đáy tạm thời, sức rướn của nó có thể bùng về 2040 Usd/tấn. Vượt qua điểm BQĐ 20 ngày tại 1983 Usd không khó, nhưng vượt được mức tâm lý quan trọng 2000 Usd/tấn không phải là dễ. Qua được mức này, mới tính cho đường lên 2040/2052/2056 (xem hình 3). 
Thị trường cà phê trong nước: Tuần đầu tiên của niên vụ, giá nội địa có khá hơn?
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong niên vụ 2016/17 ước chừng 1,5 triệu tấn, giảm 0,25 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. 
Câu hỏi đặt ra là tại sao nước xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới là Việt Nam giảm mạnh như thế, cộng với Brazil xuất khẩu robusta giảm nhiều do mất mùa, giá cà phê robusta không tăng và thị trường mua bán hàng thực tỏ ra không thiếu hàng? 
Có lẽ câu trả lời đầu tiên là giá arabica quá rẻ đã thu hút người mua và chia mạnh thị trường xuất khẩu của cà phê robusta.
 Tính đến ngày cuối vụ, chỉ số giá cách biệt giữa hai sàn cà phê arabica với robusta chỉ còn 42 cts/lb hay 926 Usd/tấn, nhưng cách biệt trên thị trường hàng thực có khi chỉ 500-600 Usd/tấn. 
Trong khi đó, các năm trước giá cách biệt này thường quanh mức 65 cts/lb hay từ 1400-1450 Usd/tấn. Với mức cách biệt ấy, sức mua arabica đang đe dọa thực sự cơ hội bán robusta. 
Nhìn về lâu về dài, chưa thể nói được giá robusta kỳ hạn và nội địa sẽ khá hơn nếu như không có biến động về thời tiết hay tiền tệ có lợi cho giá kỳ hạn robusta. 
Còn về ngắn hạn, người ta thấy robusta cần có một vài phiên chỉnh tăng khi nhận ra hiện tượng robusta không chịu về dưới 1921 Usd/tấn là mức thấp nhất tuần qua. 
Chính vì vậy, tuần đầu niên vụ, khả năng giá cà phê nội địa tăng dần lên 44-44,5 triệu đồng/tấn là có thể xảy ra. 
Nguyễn Quang Bình và cộng sự

Nguồn: NCIF/BNEWS