Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng cà phê tại 4 tỉnh của khu vực Tây Nguyên chiếm hơn 90% sản lượng cà phê của Việt Nam, dự kiến sẽ tăng khoảng 4% so với niên vụ trước đó.

 

Cục xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 10 ngày đầu tháng 9, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp. Cục khuyến cáo các doanh nghiệp và người nông dân cần theo dõi sát tình hình biến động và giá cà phê toàn cầu để cân nhắc trong việc dự trữ cà phê, nhất là khi Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch mới.

 

Theo kế hoạch, mùa mưa năm nay, các nông hộ Đắk Lắk sẽ trồng tái canh 4.259 ha, nhưng đến nay đã gần hết mùa mưa các hộ chỉ mới trồng tái canh được gần 50% kế hoạch diện tích.

 

Qua trao đổi với phóng viên, các nông hộ cho biết, hiện nay, giá cà phê nhân giảm xuống sâu đã khiến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk không còn có lãi, thậm chí, vườn cà phê cho năng suất thấp thì lỗ nặng. Do vậy, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã hạn chế đầu tư, phá bỏ các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh (từ 20 năm trở lên), nhiễm sâu bệnh hại, cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém để trồng tái canh.

 

Từ năm 2011 đến năm 2017, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được 20.541 ha/34.748 ha kế hoạch đến năm 2020.

 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, tỷ giá đồng tiền của các nước sản xuất cà phê lớn giảm sâu gây bất lợi lên giá cà phê toàn cầu. Theo tin của Reuters, Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết xuất khẩu cà phê tháng 8 đạt tổng cộng 3,07 triệu bao cà phê các loại, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Cecafé cho rằng xuất khẩu tăng mạnh nhờ sản lượng và chất lượng cà phê vụ mới đều tăng, trở thành tháng có khối lượng xuất khẩu nhiều nhất trong 2 hai năm qua.