Đà tăng phiên trước đó đã chùng lại khi Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) tuyên bố vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện hành ở mức 6,5%.

 

Tại thị trường nội địa Việt Nam, thương mại tiếp tục trầm vắng trong vùng giá thấp, mặc dù các nhà xuất khẩu muốn hàng tồn kho đi nhanh để nhận cà phê vụ mới. Khoảng vài tuần nữa là vụ thu hoạch mới sẽ bắt đầu. Hy vọng rằng khi vào mùa, sức mua hàng xuất khẩu tăng dần, giá nhờ vậy có thể được cải thiện hơn.

 

Nguồn tin thị trường nước ngoài cho biết giao dịch cà phê hàng thực (physicals) một số nước từ tuần qua đã bắt đầu khởi động. Các nước xuất khẩu arabica hàng đầu thế giới như Brazil, Colombia cũng như Trung Mỹ và châu Phi đã bán nhưng với khối lượng rất nhỏ. Ở các nước xuất khẩu robusta, người hỏi giá và đòi xem mẫu cà phê xuất khẩu nhiều nhưng chưa thực sự muốn mua. Hai bên mua và bán đang thăm dò nhau, nhưng có thể do giá trên hai sàn kỳ hạn ở mức thấp nên chưa gặp nhau.

 

Cho dù nguồn cung cà phê Robusta vụ mới từ Indonesia đã sớm có dấu hiệu bị thắt chặt khi mức giá chênh lệch cà phê Lampung loại 4 được nâng lên 80 – 100 USD, nhưng các nhà kinh doanh xuất khẩu của đảo quốc vẫn muốn đứng bên ngoài thị trường vào lúc này do họ phải mua cà phê tại thị trường nội địa với giá quá cao vì đồng Ripiah mất giá liên tục và thâm hụt thương mại gia tăng.

 

Theo số liệu thương mại của Chính phủ từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê hàng đầu của Indonesia, đã cho thấy xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 8 đạt 193.897 bao, giảm 398.150 bao, tức giảm tới 67,25% so với cùng kỳ năm trước. Con số này dẫn tới lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu niên vụ 2017/18 chỉ đạt tổng cộng 1.408.395 bao, giảm 2.859.819 bao, tức giảm 67% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.