Tuy giá sàn London đã sụt giảm trở lại trong tuần này nhưng thị trường cà phê Robusta toàn cầu vẫn còn dấu hiệu tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần đến 17/3/2018 trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều bật tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 17 USD, lên 1.745 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 16 USD, lên 1.774 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 0,7 cent, xuống 118,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 0,75 cent, còn 120,2 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 đồng, lên dao động trong khung 36.400 – 36.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.645 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 giảm 35 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước giảm 800 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2,1 cent/lb.

Cho dù đã suy đoán Fed sẽ tăng lãi suất USD lần đầu tiên ở phiên họp chính sách tháng Ba này nhưng hầu hết các thị trường vẫn tỏ rõ phản ứng tiêu cực một cách khá đột ngột với việc nhà đầu tư điều chuyển dòng vốn trên khắp các thị trường.

Đặc biệt, các thị trường cà phê còn bất lợi hơn khi Rabobank mới đưa ra dự báo điều chỉnh sản lượng toàn cầu sẽ dư thừa 3,2 triệu bao trong niên vụ cà phê 2018/2019. Thông tin này đã khiến giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn quốc tế càng thêm tiêu cực trước áp lực bán ròng gia tăng của giới đầu cơ.

Thị trường cà phê nội địa Việt Nam cũng tỏ ra im ắng cho dù đã có ý kiến đánh giá lượng hàng tồn trong tay nhà nông vẫn còn hơn 50% sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch. “Không thể dễ dàng thu hút lượng hàng này ra thị trường với mức giá hiện hành”, một quan chức của ngành cà phê Việt Nam nhận định.

Thị trường ở các địa phương càng vắng vẻ thêm khi các thương nhân tập trung vào vụ hồ tiêu mới hiện đang thu hoạch rộ, tạm thời bỏ quên mặt hàng cà phê.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và deo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 12/03 đã giảm thêm 4.590 tấn, tức giảm 5,3 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 81.990 tấn (tương đương 1.366.500 bao, bao 60 kg). Đây là tuần thương mại sàn London có số tồn kho sụt giảm đáng kể trong quý đầu năm 2018.

Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ vừa báo cáo tồn kho tháng Hai giảm thêm 88.613 bao, chiếm 1,34%, xuống đăng ký ở 6.524.867 bao vào cuối tháng. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp GCA báo cáo giảm, nhưng vẫn còn lượng tồn kho tương đối đáng kể.

Indonesia bắt đầu thu hoạch Robusta vụ mới ở những vùng cà phê chín sớm. Các thương nhân xuất khẩu chào bán cà phê Lampung loại 4 với mức giá cộng 140 – 160 USD/tấn, tuy nhiên khối lượng giao dịch vẫn còn hạn chế.

Các thương nhân quốc tế cho rằng, trong ngắn và trung hạn, nguồn cung cà phê Robusta của Việt Nam tiếp tục chi phối thị trường tiêu dùng toàn cầu nên sức bán ra từ thị trường này là điều cần phải quan tâm theo dõi.

Nguồn: VITIC/giacaphe

 

Nguồn: Vinanet