Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo đồ 5% tấm giá tăng lên 376-381 USD/tấn, từ mức 371-376 USD/tấn một tuần trước đó nhờ nhu cầu cao từ cả khách hàng trong nước và quốc tế.
“Các nhà máy xay xát đang mua lúa cao hơn giá mà Chính phủ quy định. Nhu cầu xuất khẩu sang các nước châu Phi trong mấy tuần gần đây khá tốt”, M. Adishankar, giám đốc điều hành của Sri Lalitha, hãng xuất khẩu gạo hàng đầu ở bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Trong niên vụ 2016/17, Ấn Độ đã nâng giá thu mua tối thiểu đối với các loại lúa thường thêm khoảng 4,3%.
Các cơ quan Chính phủ cũng đang tích cực mua lúa qua hệ thống phân phối công cộng, góp phần đẩy giá trên thị trường tăng hơn so với giá quy định.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2016 giảm 10% so với năm trước đó xuống 10,1 triệu tấn, theo báo cáo tháng 12 của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan vững ở 355 -360 USD/tấn, FOB Bangkok, không thay đổi tuần thứ 2 liên tiếp.
Các thương giá cho biết thị trường vẫn trầm lắng, và khách hàng đang chờ đợi cuộc đấu giá đầu tiên của năm sẽ diễn ra vào ngày 16/2, ở đó Chính phủ mục tiêu bán 2,8 triệu tấn gạo cũ.
Hiệp hội Xuất khâu gạo Thái Lan dự kiến xuất khẩu năm nay sẽ giảm xuống khoảng 9,5 triệu tấn (4,3 tỷ USD) do sự cạnh tranh từ các nước XK lớn khác, trong đó có Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, 4,6 triệu tấn được dự đoán là gạo trắng, 2,4 triệu tấn là gạo Hom Mali, 2 triệu tấn gạo đồ, phần còn lại là gạo nếp và gạo tấm.
Xuất khẩu gạo Thái Lan được dự báo giảm 3,8% về lượng trong năm 2017, với giá xuất khẩu có thể duy trì ở mức tương đối thấp do nguồn cung gạo toàn cầu tăng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Suy giảm xuất khẩu gạo được dự báo chủ yếu là do xuất khẩu gạo trắng được dự báo giảm 310.000 tấn, từ 4,91 triệu tấn năm 2016 xuống còn khoảng 4,6 triệu tấn năm 2017, và xuất khẩu gạo đồ được dự báo giảm 140.000 tấn từ mức 2,14 triệu tấn năm 2016. Ngược lại, xuất khẩu gạo Hom Mali cao cấp được dự báo tăng 1,7% trong năm 2017 từ mức 2,36 triệu tấn năm 2016.
Năm 2016, Thái Lan đã xuất khẩu 9,88 triệu tấn gạo thành phẩm, tăng 0,9% so với năm 2015, trị giá 4,4 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ 2 trong xuất khẩu gạo thế giới, chỉ sau Ấn Độ, nước có kim ngạch 10,43 triệu tấn trong năm 2016, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu 4,95 triệu tấn.
Theo ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội, nguyên nhân giảm xuất khẩu gạo là do sản xuất lúa gạo toàn cầu tăng, dẫn dự báo của USDA cho rằng sản lượng gạo toàn cầu năm 2017 sẽ tăng 1,6% lên 480 triệu tấn, trong khi tiêu thụ ước tính ở mức 477,8 triệu tấn. Giá sẽ gặp áp lực ngắn hạn do kế hoạch bán toàn bộ kho gạo dự trữ 8 triệu tấn trong năm 2017.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố hồi tháng trước rằng chính phủ muốn xả toàn bộ các kho dự trữ gạo hiện tại trong năm 2017. Phần lớn trong 8 triệu tấn gạo còn trong kho là gạo trắng, 5 triệu tấn trong đó có chất lượng thấp, không phù hợp cho tiêu dùng ở người; 2,87 triệu tấn còn lại có chất lượng khác nhau, phù hợp cho tiêu dùng ở người.
Bộ Thương mại Thái Lan đang thảo luận với các bộ Năng lượng và Công nghiệp để tìm ra các giải pháp sử dụng gạo tồn kho chất lượng thấp làm đầu vào sản xuất công nghiệp như biomass và ethanol.
Cơ quan Ngoại thương Thái Lan đã thông báo về đợt đấu giá chung cho 2,87 triệu tấn gạo phù hợp cho tiêu dùng ở người. Lượng gạo này được giữ ở 274 kho dự trữ chính phủ tại 17 tỉnh. Những người mua quan tâm được cho phép tham quan các kho dự trữ gạo từ 6-10/2/2017.
Các bên tham gia đấu giá được yêu cầu nộp hồ sơ dự thầu trước ngày 16/2, và tên những người thắng thầu sẽ được công bố cùng ngày. Ông Charoen cho biết các nhà xuất khẩu đang lo ngại về việc đồng Baht tăng giá có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của Thái Lan. “Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường gạo toàn cầu đã được dự báo từ sớm cho năm 2017, đặc biệt là từ các kho dự trữ gạo khổng lồ hiện nay của Ấn Độ và sản xuất tăng tại cả Ấn Độ lẫn Việt Nam. Những gì các nhà xuất khẩu cần hiện nay là chính phủ kiểm soát hoạt động sản xuất gạo tại Thái Lan cũng như hỗ trợ để giảm chi phí logistics”.
Hiệp hội dự báo sản xuất gạo Thái Lan niên vụ 2016/17 sẽ đạt 32 triệu tấn lúa, gồm 26 triệu tấn từ vụ chính và 6 triệu tấn từ vụ 2. Theo ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội, giá xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2017 dự báo đạt trung bình 430 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 445 USD/tấn trong năm 2016. Ông cho rằng nhu cầu tăng có thể sẽ bù đắp cho nguồn cung tăng từ Ấn Độ và Việt Nam.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tuần qua tăng lên 352-355 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 335-340 USD/tấn một tuần trước đó.
Thị trường trong nước, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá cao so với trước Tết. TTXVN dẫn nguồn tin của một số doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cho hay trong ngày 10/2, giá lúa tươi tại ruộng IR50404 dao động từ 4.600-4.700 đồng/kg, tùy theo chất lượng và tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Giá lúa tươi OM5451 từ 5.200-5.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa Jasmine 85 có giá 5.300-5.400 đồng/kg, tăng 50-100 đồng/kg. Riêng giá lúa OM4900 tăng khá cao, có khu vực sau Tết có giá 4.900-5.000 đồng/kg nhưng nay đã lên đến 5.300-5.400 đồng/kg. Giá gạo thu mua tại các nhà máy cũng tăng khá cao từ 200-500 đồng/kg, tùy từng chủng loại và chất lượng gạo.
TTXVN dẫn số liệu do Công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu An Giang (Angimex) cung cấp cho thấy, giá gạo thu mua tại các nhà máy có sự chênh lệch đáng kể giữa thời điểm trước và sau Tết âm lịch. Cụ thể, nếu như ngày 13/1, gạo OM5451 chỉ ghi nhận ở mức 8.100-8.150 đồng/kg thì sau gần một tháng, đến ngày 8/2 giá gạo đã tăng thêm 500 đồng/kg, ở mức 8.600-8.650 đồng/kg. Gạo Jasmine loại 1 (vụ Thu Đông) cũng từ 9.700-9.800 đồng/kg lên mức 9.900-10.000 đồng/kg. Gạo trắng 6976 hiện có giá 8.450-8.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với trước đó…
Vụ Đông Xuân ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như huyện Tam Nông, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện An Biên, Tân Biên (Kiên Giang), Sóc Trăng… đã bắt đầu bước vào đợt thu hoạch. Các doanh nghiệp cho biết, năng suất của trà lúa Đông Xuân sớm năm nay giảm 30-40% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường, khiến sâu bệnh nhiều hơn, ảnh hưởng đến năng suất lúa thu hoạch.
Tồn trữ gạo của Việt Nam không còn nhiều, vụ thu hoạch mới sẽ bắt đầu từ cuối tháng này và các nhà xuất khẩu tích cực gom hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký trước Tết. Các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao hơn 293.000 tấn cho thương nhân Philippines cũng góp phần giúp giá nội địa tăng lên. Ngoài ra, vấn đề năng suất giảm cũng là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo gia tăng hiện nay.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng giá lúa gạo sẽ chững lại khi thu hoạch chính vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2/2017. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 8/2, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Đông Xuân 2016-2017 ước khoảng 1,53 triệu ha. Hiện đã có khoảng 230.000 ha lúa đã được thu hoạch với năng suất trung bình đạt 5,9 tấn/ha. Dự kiến, thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng 3/2017.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 1/2017 giảm 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 325.000 tấn. Năm 2016, xuất khẩu giảm 26,5% do nhu cầu t các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Indonesia giảm và nguồn cung tăng từ Thái Lan và Ấn Độ.
Một số thông tin liên quan
Chính phủ Indonesia không có kế hoạch nhập khẩu gạo trong năm 2017
Chính phủ Indonesia bày tỏ sự lạc quan về triển vọng sản xuất lúa gạo năm 2017 của nước này sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog), được giao chức năng ổn định giá gạo, không phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2017.
“Nhờ trời, Indonesia không phải nhập khẩu gạo trong năm 2017. Tinh thần chỉ đạo chung là không nhập khẩu, tiết kiệm và dự trữ cho các tình huống khẩn cấp”, theo chủ tịch Bulog phát biểu trước báo giới.
Năm 2016, Indonesia đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo nhưng là lượng gạo đã đặt hàng từ năm 2015 và không có đơn hàng nhập khẩu gạo được đặt trong năm 2016.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp dự báo sản xuất gạo Indonesia năm 2017 sẽ đạt 80 triệu tấn, cao hơn nhu cầu hàng năm của nước này, chỉ ở mức 60 triệu tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính phủ về tính chính xác của dữ liệu cung – cầu được thu thập, vốn là vấn đề nhạy cảm tại nước này trong nhiều năm qua. Trong khi đó, chương trình thu mua gạo nội địa của chính phủ do Bulog thực hiện sẽ phân bổ 3,7 triệu tấn gạo cho người có thu nhập thấp. 
Thái Lan sắp đấu thầu 2,87 triệu tấn gạo đầu tiên năm 2017
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Chính phủ Thái Lan vừa công bố thời điểm diễn ra phiên đấu thầu gạo đầu tiên của năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 16/2/2017.
Chính phủ Thái Lan kỳ vọng sau 02 phiên đấu thầu sẽ có thể giải phóng hoàn toàn lượng gạo dự trữ trong kho quốc gia trong khoảng thời gian nửa đầu năm nay.
Theo kế hoạch, tại phiên đấu thầu đầu tiên của năm 2017, khoảng 2,87 triệu tấn gạo thỏa mãn tiêu chí sử dụng làm thực phẩm cho người sẽ được đưa ra đấu thầu.
Trong số này, khoảng 1,43 triệu tấn là gạo Hom Mali, 0,57 triệu tấn là gạo trắng và phần còn lại 0,87 triệu tấn là gạo Pathum Thani, gạo nếp và gạo lứt (husked rice).
Đối với lượng gạo còn lại 5,2 triệu tấn, do tính chất đặc biệt không phù hợp sử dụng làm thực phẩm cho người và gia súc, sẽ được Chính phủ Thái Lan sử dụng làm nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất năng lượng.
Theo dự kiến, lượng gạo này sẽ được Chính phủ đưa ra trong phiên đấu thầu tiếp theo vào tháng tới.

Nguồn: VITIC/Reuters, TTXVN

Nguồn: Vinanet