Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2017 giá lợn đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, giá lợn do người chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ có nơi chỉ bán được khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng - mỗi con lợn có thể lỗ từ 1-1,5 triệu đồng. Số lượng lợn được tiêu thụ không tăng trong khi còn một số lượng lợn tương đối lớn tồn trong các trang trại, cơ sở chăn nuôi. Theo tổng hợp báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100-150 kg/con, tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi, ước tính tương đương khoảng 200 ngàn tấn thịt hơi.
Trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi lợn và giá thịt lợn thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản phối hợp với địa phương chỉ đạo tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi. Một số địa phương đã khẩn trương, tích cực vào cuộc triển khai giải pháp tháo gỡ và ổn định phát triển chăn nuôi: tại Đồng Nai đã tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung với giá khoảng 30.000-31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với mức giá ổn định trung bình từ 55.000-60.000 đồng/kg, Công ty CP tập đoàn DABACO tăng cường thu mua lợn thịt thương phẩm của người dân, Công ty CP thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã thu mua, giết mổ khoảng 20.000 con lợn thịt, Công ty thực phẩm xanh Hà Nội có kế hoạch mua tiêu thụ 25.000 tấn với các loại lợn lỡ cỡ trên 120 kg/con, Công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn tăng mức giết mổ, chế biến và cấp đông trên 300 con lợn thịt/đơn vị/ngày...
Các địa phương như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng với một số địa phương khác như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, trong đó kết nối giữa người chăn nuôi, chủ các cơ sở, trang trại chăn nuôi với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức ngân hàng và các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ để triển khai giải pháp hỗ trợ về vốn, thị trường đầu ra…
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Chăn nuôi - cho biết: Tính đến hôm nay (17/5), số lượng con lợn còn lại khoảng 1,5 triệu con. Trong những ngày qua chúng ta đã giải quyết được khoảng 200.000-250.000 tấn lợn hơi. Đây là kết quả rất tốt, chúng tôi kỳ vọng trong tháng 5 và 6 sẽ tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn nữa.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Vân, giá lợn hiện nay cũng đã có xu hướng nhích lên dù chưa nhiều. Cụ thể, giá lợn đang lên ở tất cả các khu vực, có khu vực tăng lên 8.000-9.000 đồng/kg, cũng có khu vực mới chỉ tăng lên khoảng 2.000 đồng/kg, hiện giá lợn vẫn đang tiếp tục tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi để họ tiếp tục vững tâm vừa rà soát lại các động lực phát triển và tiếp cận vấn đề thị trường để tiêu thụ tốt thịt lợn
Đánh giá về tình hình chăn nuôi hiện nay, các đại biểu cho rằng đa phần người chăn nuôi dù nuôi nhỏ lẻ hay nuôi quy mô trang trại vẫn tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Cách làm này đang dần bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nghịch lý ở đây là dù giá bán tại chuồng, cổng trại xuống rất thấp nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng thì vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều ý kiến đồng tình rằng đã đến lúc phải có Luật Chăn nuôi, đây là vấn đề cấp thiết cần được đặt ra thảo luận không chỉ cuộc họp này mà cho nhiều cuộc họp liên quan khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh và triển khai quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương; gắn công tác triển khai kế hoạch chỉ đạo phát triển sản xuất với quy hoạch ngành. Theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo thị trường và thông báo kịp thời đến các đối tượng có liên quan, nhất là người dân, các cơ sở chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi…
Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử