Tại miền Bắc giá giảm nhẹ
Giá lợn hơi tại Hà Nam giảm 2.000 đồng xuống 40.000 - 47.000 đ/kg; Hưng Yên giảm nhẹ 500 đ/kg xuống 47.000 - 47.500 đ/kg. Các địa phương còn lại, giá không đổi so với cuối tuần trước; trong đó, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hoà Bình 44.000 - 47.500 đ/kg; Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình phổ biến ở mức 48.000 - 50.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, giá lợn hơi dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm một vài nơi
Tại Thanh Hoá, Nghệ An giá lợn hơi giảm 1.000 đ/kg xuống 45.000 đ/kg; Thanh Hoá có nơi xuống 40.000 - 44.000 đ/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông xuống còn 39.000 - 41.000 đ/kg; tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng 41.000 đ/kg; Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận thấp hơn 1.000 đ/kg, ở mức 40.000 đ/kg. Các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giao dịch trong khoảng 32.000 - 36.000 đ/kg.
Tại miền Nam biến động trái chiều
Trong khi, giá lợn hơi tại thủ phủ nuôi lợn miền Nam giảm khoảng 1.000 đồng xuống 40.000 - 42.000 đ/kg; thì Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước cùng tăng 1.000 đ/kg, lên 40.000 đ/kg và 41.000 đ/kg; tại Bình Dương cũng tăng 2.000 đ/kg lên 42.000 đ/kg so với cuối tuần trước. Tại An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước và Tiền Giang lợn hơi được thu mua ở mức 38.000 - 41.000 đ/kg. TP HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre, Long An là những tỉnh có mức giá lợn thấp hơn, đạt khoảng 35.000 – 36.000 đ/kg.
Lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi giảm 20%
Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thời gian gần đây tỉ lệ tiêu hủy lợn do dịch tả lợn châu Phi (ASF) giảm mạnh so với các tháng trước đây.
Tổng số lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 giảm 20% so với tháng 7 và giảm từ 35 – 40% so với tháng 5 - đây là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Số liệu mới nhất về dịch tả lợn châu Phi là gần 5 triệu con, trọng lượng hơn 280.000 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước) tại 7.459 xã thuộc 639 huyện của 63 tỉnh, thành phố đã nhiễm dịch; trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu thịt lợn 7 tháng đầu năm tăng vọt với 11.700 tấn thịt, kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD/năm, gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Do bệnh dịch ASF chưa có vacxin đặc trị nên tỉ lệ chết cao, tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 7%. Mặc dù vậy, việc thiếu hụt nguồn thịt lợn cuối năm không đáng lo ngại bởi có thể bù đắp bằng các loại khác như gia cầm, thủy sản…
Theo Thứ trưởng, vấn đề dịch tả lợn châu Phi phải xác định song hành lâu dài do chưa có thuốc chữa, nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lí thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi cho biết năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỉ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỉ lệ 9,9%.
Theo dự tính, số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu lợn cả nước được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, mô hình, kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học đã có và rất phong phú, song hiện rất nhiều địa phương vẫn chưa cho phép tái đàn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng qui trình đảm bảo an toàn sinh học. Lúc này việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc là đặc biệt quan trọng, cắt đường lây truyền bởi vi rút này ở bên ngoài rất yếu nhưng khi xâm nhập vào cơ thể heo thì sức tàn phá rất lớn. Đồng thời, đề nghị các địa phương cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt trong thời gian tới.
Giá lợn hơi Trung Quốc không đổi
Giá lợn hơi hôm nay (16/9/2019) tại Trung Quốc bình quân không thay đổi ở mức 27,62 CNY/kg (khoảng 90.477,92 đ/kg); biên độ tăng khoảng 0,02 - 0,66 CNY/kg, còn biên độ giảm là 0,01 - 0,95 CNY/kg. Giá lợn hơi cao nhất tại Quảng Đông, trung bình 32,48 CNY/kg (khoảng 106.814,31 đ/kg); thấp nhất tại Thanh Hải, trung bình 13 CNY/kg (tương đương 42.752 đ/kg).
Giá lợn hơi tại các khu vực miền Đông, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc Trung Quốc và các nơi khác biến động trái chiều, với Giang Tây, An Huy, Phúc Kiến ổn định, nhưng xu hướng chính vẫn là tăng giá. Phúc Kiến là khu vực có mức tăng lớn nhất hiện nay, tăng 0,66 CNY/kg; trong khi Giang Tô giảm mạnh nhất, giảm 0,95 CNY/kg. Giá lợn hơi ở Quảng Đông ổn định, trong khi ở Quảng Tây giảm.
Hôm nay, giá lợn hơi trung bình toàn quốc đã đạt mức giảm lớn nhất trong tháng qua, hầu hết mọi người lo lắng giá lợn sẽ tiếp tục tăng sau Tết Trung thu.

Giá lợn hơi Trung Quốc tại một số tỉnh, thành

Tỉnh, thành

Giá lợn hơi (CNY/kg)

Hồ Nam

28 – 32,21

Trùng Khánh

27 - 33

Giang Tây

28,8 – 31,8

Vân Nam

18 – 24

Quảng Đông

29 – 34

Quảng Tây

30 – 31

1 CNY = 3.288,62 đồng

Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet