Tại miền Bắc ổn định
Giá lợn hơi hôm nay vẫn ổn định trong vùng giá khá cao 60.000 - 62.000 đ/kg, tăng 8.000 – 10.000 đ/kg so với hồi cuối tháng 9; cụ thể, tại Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định đạt 60.000 đ/kg, trong khi tại Tuyên Quang 61.000 đ/kg; tại Hưng Yên 61.000 - 62.000 đ/kg.
Tại các công ty chăn nuôi lớn ở miền Bắc, giá lợn hơi được đưa ra khoảng trên dưới 60.000 đ/kg.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, trong bối cảnh giá lợn hơi được dự báo còn tăng cao, nhiều nông dân đã tính đến phương án tái đàn.
Tại miền Trung - Tây Nguyên vẫn ở mức cao
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động 51.000 – 60.000 đ/kg; trong đó, tại Đắk Lắk 52.000 đ/kg; tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa 60.000 đ/kg; tại Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận 54.000 - 56.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm
Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam chững lại ở mức 56.000 - 62.000 đ/kg, giảm so với mấy ngày trước; cụ thể, tại Bà Rịa - Vũng Tàu 62.000 đ/kg; tại Tây Ninh giảm 3.000 đ/kg xuống 56.000 đ/kg; tại Long An, Kiên Giang, Hậu Giang giảm còn 58.000– 59.000 đ/kg; ở Tiền Giang giảm mạnh nhất 4.000 đ/kg, xuống 56.000 đ/kg; các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, giá ổn định 60.000– 62.000 đ/kg.
Dẫn nguồn tin từ tieudung.vn, Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đang nhập khẩu một số sản phẩm thịt lợn, sản phẩm chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ lợn và nội tạng. Suốt từ năm 2016 đến nay, nhập khẩu thịt lợn cơ bản là năm sau cao hơn năm trước, trừ năm 2017. Đáng chú ý, lượng thịt lợn nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay cao hơn hẳn tổng số thịt lợn nhập khẩu trong từng năm 2016, 2017 và 2018.
Cụ thể, năm 2016 nhập khẩu 10.499 tấn thịt lợn, tương đương 68,5 triệu USD. Năm 2017, cả nước nhập khẩu 6.332 tấn với giá trị 10,6 triệu USD. Năm 2018, lượng thịt lợn nhập khẩu 14.295 tấn, tương ứng giá trị 23,625 triệu USD; trong 9 tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt nhập khẩu là 14.824 tấn, đạt 29,177 triệu USD.
Dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên toàn quốc từ tháng 2 đến nay đã khiến tổng số lợn tiêu hủy toàn quốc lên tới 5,6 triệu con, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thịt, nhất là dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Trong số các mặt hàng thực phẩm, tỷ lệ tiêu dùng thịt lợn chiếm tới 65% lúc cao điểm. Thời gian qua, lượng lợn bị tiêu hủy do Dịch tả lợn châu Phi đang ở con số cực lớn; trong khi đó, khả năng tái đàn của các trang trại nuôi lợn đang bị hạn chế. Nguồn cung thịt lợn đang có xu hướng giảm so với năm trước, sẽ ngày càng khan hiếm.
Nguồn: VITIC