Tại miền Bắc bước vào thời gian phục hồi

Giá lợn hơi tại Phú Thọ, Tuyên Quang và Nam Định đồng loạt tăng 1.000 đ/kg, trong đó Phú Thọ lên 44.000 đ/kg, Tuyên Quang đạt 42.000 đồng và Nam Định trở lại mức 45.000 đ/kg. Tại Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình giá lợn hơi đang dao động ở mức 44.000 - 47.000 đ/kg, Hưng Yên là địa phương ghi nhận mức giá 47.000 đ/kg; trong khi đó, giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam vẫn ở mức tương đối thấp, 41.000 - 42.000 đ/kg. Hiện, lợn hơi tại khu vực bình quân đang dao động gần mức 44.000 đ/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm tới 3.000 đ/kg

Hà Tĩnh, Quảng Bình là hai địa phương có mức giảm 3.000 đ/kg xuống 39.000 đ/kg. Tại Thanh Hóa, giá lợn hơi cũng dao động khá mạnh, khoảng 38.000 - 44.000 đ/kg tùy loại. Ngược lại, tại Quảng Trị giá lợn hơi tăng nhẹ lên 45.000 đ/kg, mức giá này cũng đang được báo cáo tại Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tại Thừa Thiên Huế, Bình Định giá lợn hơi ở mức thấp, 41.000 - 42.000 đ/kg.

Còn các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên giá lợn hơi tốt hơn, đạt 47.000 - 50.000 đ/kg.

Tại miền Nam giá vẫn giảm nhẹ

Tiền Giang, Bình Dương đồng loạt báo giá lợn hơi giảm 1.000 đồng xuống 50.000 đ/kg và 48.000 đ/kg. Gia Kiệm (Đồng Nai), Trà Vinh, Hậu Giang cũng đang có mức 50.000 đ/kg. Lợn hơi tại TP HCM, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang giao dịch ở mức 51.000 - 52.000 đ/kg; trong khi tại Bến Tre, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tây Ninh, BÌnh Phước giá lợn xuống mức 47.000 - 48.000 đ/kg.

Nhìn chung, miền Nam cũng đã bước vào giai đoạn giảm giá, với giá lợn hơi trung bình đã xuống dưới 50.000 đ/kg. Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 4/1/2019 đạt 5.960 con và tình hình buôn bán tiếp tục ảm đạm.

Malaysia: Nguồn cung lợn đủ phục vụ Tết Nguyên đán

Nguồn cung lợn tại Malaysia sẽ đủ và an toàn cho tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tới bất chấp lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm từ heo đông lạnh từ 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc vì dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát.

New Straits Times trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Malaysia cho biết ước tính khoảng 24.288 tấn thịt lợn sẵn sàng cung cấp cho thị trường trong hai ngày của dịp Tết Nguyên đán. Dựa trên kết quả khảo sát từ thị trường, nhu cầu trong năm nay sẽ đạt khoảng 16.024 tấn. Điều này nghĩa là nguồn cung thịt lợn sẽ đủ cho dịp Tết Nguyên đán. Hiện, giá lợn hơi tại nông trại trung bình đạt 6,55 ringgit/kg. Thực tế, giá thịt lợn đang giảm và hiện khá ổn định.

"Giá lợn hơi tại cửa nông trại trong giai đoạn tháng 10 - 12/2018 cũng giảm từ 7,25 ringgit xuống 7,2 ringgit và 7 ringgit/kg. Giá đang ổn định và sẽ không tăng", theo ông Sim Tze Tzin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và các ngành công nghiệp dựa trên nông nghiệp Malaysia cho biết. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Liên đoàn Người chăn nuôi gia súc Malaysia Tan Kuang Liang cho biết thịt lợn và các sản phẩm từ lợn của địa phương là an toàn cho tiêu thụ.

Theo ông Sim, Malaysia đã đạt được 93% tự cung tự cấp thịt lợn và chỉ nhập khẩu 7%. Bên cạnh đó, không có sự tăng vọt về giá đối với thịt nạc, sườn heo lọc gần hết thịt và thịt ba chỉ kể từ khi Malaysia triển khai lệnh cấm nhập khẩu tạm thời từ Trung Quốc.

Cuối tháng 12/2018, trong nỗ lực ngăn chặn virus ASF lây lan qua biên giới, Malaysia đã cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn từ 6 quốc gia, gồm Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Moldova, Ukraine và Hungary.

Trước đó, ngày 18/9/2018, quốc gia Đông Nam Á chỉ không nhập khẩu lợn sống và thịt đông lạnh từ Trung Quốc, nơi dịch ASF bùng phát nhiều nhất.

Ông Sim cho biết, lợn sữa đông lạnh nhập khẩu, đặc biệt từ Tây Ban Nha và Việt Nam, sẽ được xét nghiệm để xem có chứa virus ASF hay không.

Theo số liệu thống kê trong năm 2018, Malaysia nhập khẩu 968.310 kg lợn sữa cho thị trường nội địa. Đối với thịt đông lạnh và xúc xích từ Trung Quốc, những thực phẩm được ưa thích trong dịch Tết Nguyên đán, ông Sim nhận định không có vấn đề về nguồn cung vì các nhà sản xuất địa phương tại Tanjung Sepat, Malaysia có thể đáp ứng được nhu cầu.

Ông cũng cảnh báo người dân Malaysia đi du lịch Trung Quốc không nên mang bất kì sản phẩm thịt lợn về nước và hạn chế ghé thăm trang trại nuôi lợn.

Hôm 27/12/2018, Cơ quan Thú y Malaysia cho biết, quốc gia này cũng không nhập khẩu bột protein làm từ máu lợn, được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, có nguồn gốc Trung Quốc.

Trung Quốc triển khai qui định mới sau khi phát hiện dịch ASF tại trang trại lớn

Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện các thủ tục mới trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) sau khi phát hiện một ổ dịch tại trang trại qui mô lớn trong tuần này.

Theo báo cáo từ các hãng truyền thông địa phương, các chính sách mới gồm gia tăng kiểm tra dịch bệnh và những giao thức đóng cửa trang trại một khi dịch bệnh được phát hiện. Kể từ khi được được phát hiện lần đầu tiên vào đầu tháng 8/2018, đã có hơn 90 trường hợp báo cáo nhiễm dịch tại 23 tỉnh, thành trên khắp Trung Quốc.

Hôm 2/1/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc cho biết một ổ dịch mới đã được phát hiện tại một trang trại với 73.000 con heo ở tỉnh Hắc Long Giang, trang trại với qui mô lớn nhất bị nhiễm dịch. Cụ thể, dịch bệnh bùng phát tại thành phố Suihua, nằm phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, với 4.686 con lợn nhiễm bệnh và 3.766 con chết.

Theo chính sách mới, các công ty giết mổ Trung Quốc sẽ được yêu cầu thực hiện thử nghiệm sản phẩm để xác định dịch bệnh trước khi bán ra thị trường. Nếu một ổ dịch được phát hiện, cơ sở sẽ phải tiêu hủy toàn bộ lợn và tạm ngừng hoạt động trong 48 giờ. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2/2019.

Con người không bị ảnh hưởng bởi dịch ASF, nhưng có thể gây tử vong ở lợn. Hơn 200.000 con lợn đã bị tiêu hủy tại Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh đầu tiên được phát hiện, nhưng virus vẫn chưa lây lan sang Bắc Mỹ.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet