Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn tại Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt khoảng 20%, nhiều địa phương vẫn trong tình trạng khan hiếm lợn hơi.
Tại miền Bắc đều trên 90.000 đồng/kg
Giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục chững nhưng ở ngưỡng cao nhất trên cả nước. Cụ thể tại Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang 91.000 - 92.000 đồng/kg; Bắc Giang 93.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 94.000 đồng/kg đối với những đàn lợn đẹp; các địa phương còn lại như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên ổn định khoảng 90.000 - 91.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại các địa phương của miền Bắc đều đang trên 90.000 đồng/kg. Theo đó, vùng giá giao dịch khoảng 90.000 - 93.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên hôm nay không thay đổi so với hôm qua. Cụ thể, tại Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam cao nhất toàn miền 90.000 đồng/kg; còn tại tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận 85.000 - 88.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi phổ biến tại các địa phương ở miền Trung khoảng 85.000 - 87.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục trong khoảng 85.000 - 90.000 đồng/kg.
Tại miền Nam không thay đổi
Giá lợn hơi miền Nam không thay đổi; trong đó, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cà Mau, Vĩnh Long và Tiền Giang 85.000 đồng/kg. Tiếp theo là Long An, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và TP HCM 87.000 - 88.000 đồng/kg; Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang và Trà Vinh đạt mức giá cao nhất vùng 90.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam vẫn đang giao dịch trong khoảng 85.000 - 90.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn về chợ trong ngày 7/5 đạt 3.650 con và tình hình buôn bán tại chợ tạm dừng chuỗi ngày thuận lợi vừa qua.
Thông tin từ tieudung.vn, tại hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo diễn ra sáng 6/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, giá thịt lợn tăng trở lại là do cung cầu thịt lợn mất cân đối, nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh. 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%, chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng
Với mức giá trên, thịt lợn từ thực phẩm bình dân đã trở thành món ăn xa xỉ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong rổ thực phẩm hiện nay có đến 65%-70% là thịt lợn. Thế nhưng, vào tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta và 4 tháng sau đã lây lan ra khắp 63 tỉnh thành. Sau khi qua đỉnh dịch, các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn. Kết quả, 4 tháng đầu năm nay việc tái đàn, tăng đàn đã đáp ứng 80%. Tuy nhiên, tổng lượng vẫn đang thiếu, trong khi đó việc thay đổi thói quen ăn thịt lợn không phải một sớm một chiều. Muốn giải quyết vấn đề cung cầu đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững, an toàn. Nếu không làm như vậy thì nguy cơ chúng ta sẽ đánh mất thị trường này. Tổng giá trị ngành hàng thịt lợn lên tới 10 tỷ USD, không được để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cần bù đắp bằng nhiều cách như nhập khẩu... Khi đã mất thị trường rồi rất khó lấy lại.
Trong khi thịt lợn nội địa không chịu xuống giá thì thịt lợn nhập khẩp với đủ nguồn gốc xuất xứ từ Ba Lan, Nga, Canada, Mỹ... đã được bán tại nhiều siêu thị và rao bán tràn ngập trên mạng với mức giá phong phú, hấp dẫn dao động từ 85.000 đồng-140.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với giá thịt lợn nội địa bán ở siêu thị và chợ dân sinh. Không ít ý kiến người tiêu dùng cho rằng, thịt lợn nhập khẩu dù là hàng đông lạnh nhưng cũng ngon như thịt lợn mua ngoài chợ.
Bởi vậy, cảnh báo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận được sự chia sẻ của nhiều chuyên gia nông nghiệp. Các chuyên gia quan ngại, nếu giá thịt lợn trong nước cứ bán với giá quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng và dễ xảy ra nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là bên thua thiệt.

Nguồn: VITIC