Tại miền Bắc giá giảm nhẹ

Tuần qua, giá lợn hơi giảm suốt từ đầu tuần tới gần hết tuần, chỉ ổn định trở lại vào ngày cuối tuần. Giá phổ biến ở mức 51.000 - 51.500 đ/kg. Mức giá cao nhất được ghi nhận tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, đạt 53.000 - 54.000 đ/kg. Tại Hưng Yên, Hải Dương giá dao động trong khoảng 49.000 - 50.000 đ/kg.

Nguyên nhân giảm giá là dù lượng lợn đến tuổi xuất chuống ít nhưng người dân vẫn bán ra nhiều vì hiệu ứng tâm lý. Khả năng giá sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong ngắn hạn.

Tại Trung Quốc, trong tuần qua Bộ Nông nghiệp quốc gia cho biết, lệnh cấm vận chuyển lợn sống tại một số tỉnh nhiễm dịch đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện giúp nguồn cung được lưu thông, nhưng nhìn chung vẫn khan hiếm nhiều, kéo giá lợn tăng tại nhiều nơi.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm

Khởi động tuần khá ổn định, giá lợn hơi tại khu vực giảm mạnh tới 3.000 đ/kg trong ngày hôm sau và duy trì giảm nhẹ đến cuối tuần. Tuy nhiên, tại một vài nơi vẫn tăng.

Dù giảm nhẹ, nhưng các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn có mức giá cao, dao động trong khoảng 49.000 - 54.000 đ/kg. Còn những tỉnh thuộc miền Trung và Nam Trung Bộ đạt mức 46.000 - 51.000 đ/kg. Chênh lệch giữa mức giá thấp nhất và cao nhất lên đến 8.000 đ/kg. Tại khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi vẫn ở mức cao, 50.000 - 53.000 đ/kg.

Tại miền Nam giá liên tiếp tăng cao

Sau ngày đầu tuần không có nhiều biến động giống miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi tại khu vực ghi nhận tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành, có nơi còn tăng tới 5.000 đ/kg như Sóc Trăng. Đà tăng trong tuần đã đưa mức giá bình quân trong khu vực lên gần 53.000 đồng và trở thành nơi có giá lợn tốt nhất cả nước.

Giá lợn hơi tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Củ Chi, Cần Thơ, Bến Tre... dao động trong khoảng 53.000 - 54.000 đ/kg; tại Trà Vinh, Hậu Giang giá lên tới 55.000 đ/kg. Các khu vực còn lại trên 50.000 đ/kg.

Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 6/10/2018 đạt 5.050 con, thương lái cho biết tình hình buôn bán không thuận lợi, lượng mua yếu.

Thành lập đoàn kiểm tra ngăn chặn khẩn cấp dịch tả lợn Châu Phi

Để ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi (AFS) có nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch.

Dịch AFS tại Trung Quốc đang có xu hướng di chuyển dần xuống phía Nam, trong khi đó, hoạt động giao thương giữa cư dân biên giới hai nước vốn sôi động.

Để ứng phó với nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1787/QĐ-UBND, thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch AFS xâm nhiễm vào địa bàn Hà Nội.

Theo quyết định, trong tháng 10/2018, hai đoàn công tác của Sở NNPTNT tiến hành kiểm tra công tác ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm tại 30 quận, huyện, thị xã.

Qua kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn thành phố, đồng thời nắm bắt công tác thông tin, tuyên truyền, phối kết hợp trong phòng, chống dịch.

Kiểm tra thực tế việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, ứng phó dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi lợn, thu gom, giết mổ lợn, kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm có nguồn gốc từ lợn; kiểm tra hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vịt liên ngành, công tác tham mưu của đội ngũ thú y trong công tác ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.

Tại Quảng Ninh, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Bộ NNPTNT về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng thời thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh tại các địa phương: Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái và các địa phương có nguy cơ cao.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, chức năng quyết tâm cao nhất trong công tác phong chống dịch bệnh, trong đó tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Toàn tỉnh thực hiện quyết liệt công tác ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn tại khu vực biên giới vào nội địa; thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng...

Đến nay, chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định. Các bệnh thông thường xảy ra rải rác và được phát hiện kịp thời, không lây lan thành dịch.

Nguồn: VITIC/Vietnambiz

 

Nguồn: Vinanet