Khách hàng mua ngũ cốc nhà nước Ai Cập, GASC thỏa thuận sẽ mua 240.000 tấn lúa mì Nga và 60.000 tấn lúa mì Pháp trong một đợt đấu thầu vào ngày 25/9/2019. Ai Cập thường là khách hàng mua lúa mì lớn nhất của Nga.
Giá lúa mì khu vực Biển Đen với 12,5% protein tăng 1 USD lên 188 USD/tấn FOB, công ty tư vấn SovEcon cho biết. Giá lúa mạch tăng 2 USD lên 179 USD/tấn.
IKAR, công ty tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Moscow cho biết, giá lúa mì tăng 4 USD lên 190 USD/tấn.
Nga đã xuất khẩu 12,8 triệu tấn ngũ cốc kể từ đầu niên vụ 2019/20, giảm 10% so với cùng kỳ niên vụ trước, SovEcon cho biết. Con số này bao gồm 11,1 triệu tấn lúa mì.
Brazil có kế hoạch đưa ra hạn ngạch miễn thuế đối với 750.000 tấn lúa mì nhập khẩu từ các nước ngoài khối thương mại Mercosur Nam Mỹ trong tháng 11/2019.
Nga có cơ hội cung cấp lúa mì sang Brazil như một phần của hạn ngạch này, song nguồn cung có thể không đáng kể so với tổng khối lượng mua của Brazil, hãng tin Interfax dẫn lời các nhà phân tích thuộc Rusagrotrans Nga cho biết.
Bộ Nông nghiệp Nga nâng dự báo sản lượng lúa mì năm 2019 tăng 3 triệu tấn lên 78 triệu tấn, song giữ nguyên ước tính tổng sản lượng ngũ cốc. Trong khi đó, SovEcon dự báo sản lượng lúa mì Nga năm 2019 đạt 74,9 triệu tấn.
Giá lúa mì loại 3 tại một số khu vực châu Âu của Nga tăng 25 RUB lên 10.325 RUB/tấn, đây là mức giá xuất xưởng không bao gồm chi phí giao hàng, SovEcon cho biết.
Những người nông dân Nga đã gieo trồng ngũ cốc vụ đông trong năm tới, chiếm 66% diện tích trồng trọt tương đương 11,6 triệu ha.
Giá hạt hướng dương giảm mạnh do vụ thu hoạch mới bắt đầu, giảm 225 RUB xuống 18.975 RUB/tấn, trong khi giá dầu hướng dương thị trường nội địa giảm 450 RUB xuống 44.925 RUB/tấn, SovEcon cho biết.
Giá dầu hướng dương xuất khẩu giao hàng tháng 10/2019 giảm 10 USD xuống 690 USD/tấn, FOB. IKAR cho biết, chỉ số giá đường trắng từ khu vực phía nam Nga giảm 13 USD xuống 339 USD/tấn.
Nguồn: VITIC/Reuters