Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giảm xuống 380-385 USD/tấn, từ mức 383-388 USD/tấn cách đây một tuần bởi nguồn cung từ vụ Đông bắt đầu có mặt trên thị trường. Nhu cầu từ các khách hàng Châu Á và Châu Phi đang ở mức thấp.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4-12/2018 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống 8,46 triệu tấn.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giảm xuống 382-389 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 390 – 402 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng baht yếu đi càng gây áp lực giảm giá.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm tiếp xuống 340 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn cách đây hai tuần (trước Tết).
“Thị trường đã giao dịch trở lại nhưng vẫn chưa thấy thêm các thương gia Philippines hỏi mua”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, và thêm rằng tư nhân Philippines đã mua khoảng 20.000 tấn trong tuần này”. Trong khi đó, Trung Quốc đã thắt chặt các điều kiện nhập khẩu gạo.
Một số thương gia dự báo Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu gạo Việt Nam trong năm nay, xuống chỉ khoảng 500.000 – 600.000 tấn, từ mức khoảng 1,5 – 2 triệu tấn của năm vừa qua, sau những chính sách thắt chặt nhập khẩu.
Trong khi đó, từ đầu vụ đến nay, Bangladesh đã thu mua gần 1,4 triệu tấn gạo nội địa để đưa vào kho dự trữ.
Một số thông tin lúa gạo khác
Ngành gạo Thái Lan phản đối dự thảo Đạo luật gạo
Cuối tháng trước các ủy viên quốc hội Thái Lan đã thông qua dự thảo Đạo luật gạo, theo đó Cơ quan quản lý gạo Thái Lan sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra xem liệu các giống thóc người nông dân bán ra thị trường hoặc cho các nhà máy xay xát đã được đăng kí với cơ quan này hay chưa. Tuy nhiên, Dự thảo bị nhiều người phản đối vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của ngành này, theo Bangkok Post.
Tại hội thảo chuyên đề mới đây, ông Nipon Poapongsakon, một thành viên ưu tú của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), cho biết dự thảo nhằm giảm rủi ro cho người nông dân và tạo ra một thế hệ mới cho ngành trồng trọt. Tuy nhiên, dự thảo này mang lại quyền lực lớn cho chính phủ. "Lo ngại chính về bản dự thảo là toàn bộ quyền lực được trao cho Cơ quan quản lý gạo, hiện chỉ được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với các giống gạo và năng suất", ông Nipon nói. Ông Nipon cho hay dự thảo cũng đưa ra những mức phạt vô lý đối với các nhà máy xay xát và giới thương lái, những người mua giống thóc không được đăng kí với bộ phận này. Dự thảo cũng kêu gọi chuyển phòng ban sản xuất và quảng bá gạo, thuộc ủy ban quản lý gạo của Bộ Thương mại Thái lan, sang cơ quan này.
Malaysia dự kiến tăng sản lượng gạo thêm 5% để giảm phụ thuộc nhập khẩu
The Star Online dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến Datuk Salahuddin Ayub cho biết, tốc độ sản xuất gạo địa phương của Malaysia sẽ lên tới 75% so với mức 70% hiện tại khi quốc gia này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông Datuk Salahuddin Ayub cho biết năm 2018 Malaysia đã nhập khẩu 740.000 tấn gạo, trị giá khoảng 1,18 tỉ ringgit. Và "Bộ đã đặt mục tiêu tăng sản lượng gạo địa phương lên 75% trong vòng ba hoặc 4 năm tới", "Để tăng sản lượng, chúng tôi sẽ xem xét việc sử dụng công nghệ hiện đại, như 'thu thập dữ liệu đất đai, và sử dụng nhiều loại phân bón tốt hơn", ông Salahuddin nói.
Sản lượng thóc năm 2018 của Campuchia tăng 3,5%
Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết nước này đã sản xuất 7,4 triệu tấn thóc trong năm 2018, tăng 3,5% so với năm trước đó, và tổng sản lượng năm 2018 chỉ bằng 88,47% so với dự kiến của chính phủ. Cơ quan này nói thêm trong tổng số 2,7 triệu ha đất nông nghiệp hiện có, 2,4 triệu ha đã được khai thác. Trung bình, mỗi ha sản xuất 3,07 tấn gạo, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng năm 2006, năng suất trung bình chỉ đạt 2,6 tấn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Campuchia, năng suất tăng là nhờ hệ thống tưới tiêu tốt hơn và việc sử dụng công nghệ. Ông lưu ý chính phủ đã tăng tốc trong việc xác định các khu vực tốt nhất để phát triển từng giống, điều này cũng đóng một vai trò trong việc tăng năng suất.
"Các nhà chức trách của Campuchia đang nghiên cứu xem môi trường và điều kiện nào là tốt nhất cho từng giống lúa để chúng ta có thể tối đa hóa năng suất và chất lượng, cũng như khả năng chống chọi với bệnh tật và biến đổi khí hậu", ông Sakhon cho hay.
Năm ngoái, tổng khối lượng gạo xay xát xuất khẩu từ Campuchia giảm 1,5%, xuống 626.225 tấn, với điểm đến gồm 61 quốc gia khác nhau trên thế giới. Trung Quốc là người mua gạo lớn nhất của Campuchia, nhập khẩu 170.154 tấn.
Nhập khẩu gạo của Philippines có thể vượt 2 triệu tấn trong 2019
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán, nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay có thể đạt 2,3 triệu tấn, vì nhu cầu mạnh mẽ hơn từ các thương nhân khi ngành gạo của quốc gia này dự báo hoàn toàn được tự do hóa, và đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp Philippines nhập khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, khi khối lượng thu mua từ nước ngoài trong năm ngoái cũng được ước tính đạt 2,3 triệu tấn, USDA cho biết thêm.
Trước năm 2018, lần cuối cùng Philippines nhập khẩu hơn 2 triệu tấn gạo là vào năm 2010, thời điểm quốc gia này bị thiếu lương thực vì hiện tượng El Niño và bão, dữ liệu của chính phủ cho thấy.
Trong báo cáo thị trường ngũ cốc toàn cầu hồi tháng 2, USDA dự báo dự luật thuế quan gạo có thể sẽ thúc đẩy nhập khẩu ở mức mạnh.
Dự luật này, dự kiến sẽ chuyển đổi hạn chế định lượng kéo dài hai thập kỉ của Philippines đối với nhập khẩu gạo sang hệ thống thuế quan, sẽ khuyến khích các nhà xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam, cung cấp thêm cho Manila, USDA nói thêm.
Trên thực tế, vì dự luật thuế gạo, USDA đã điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu cho Philippines trong năm nay lên 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó vào tháng 12 là 1,8 triệu tấn.

Nguồn: VITIC/Reuters, Vietnambiz

Nguồn: Vinanet