Giá tăng nhưng dân chưa lời nhiều
Tây Nguyên có khoảng 251.000ha cao su, trong đó diện tích đang cho thu hoạch vào khoảng 139.000ha. Sau thời gian mủ cao su xuống giá thê thảm khiến người dân nhiều nơi bỏ bê, không chăm sóc, thậm chí chặt bán gỗ thì từ cuối năm 2016 đến nay, giá mủ cao su tăng nhẹ.
Anh Thao Giang (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có 4ha trồng cây cao su, trong đó có 2ha trồng được 9 năm, có thể khai thác mủ từ năm 2016. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức giá thu mua thấp chỉ vào khoảng 6.000 đồng/kg mủ khô, thu hoạch không đủ tiền thuê nhân công cạo mủ nên anh không khai thác mà chỉ chăm sóc cầm chừng chờ giá lên. Đến năm 2017, giá mủ tăng đạt 12.000 đồng/kg mủ khô thì gia đình bắt đầu thu hoạch.
“Cao su tăng giá nhưng người dân vẫn chưa vui vì với mức giá này cũng chưa lời nhiều. Với 2ha cao su đang cho thu hoạch có giá 12.000 đồng/kg thì mỗi ngày gia đình thu được khoảng 600.000 đồng, nếu để trả tiền thuê 2 người cạo mủ, cộng chi phí đầu tư phân bón trong năm thì chẳng còn dư bao nhiêu”, anh Giang nói.
Huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, có diện tích trồng cây cao su khoảng 8.000ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 50%. Những ngày này, hộ gia đình ông Phan Kiến (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đang tất bật thu mủ. “Từ khi cao su có giá, mỗi ngày gia đình thu được khoảng 1 triệu đồng. Trừ chi phí nhân công, phân bón thì không có lời”, ông Kiến kể.
Theo ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, tính riêng trên địa bàn, diện tích trồng cây cao su khoảng 5.800ha, trong đó đang thu hoạch khoảng 3.200ha.
Không mở rộng diện tích
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết diện tích cao su của tỉnh là hơn 100.300ha. Trong đó diện tích đang cho thu hoạch là khoảng 71.000ha.
Theo dự báo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong năm 2018, giá cao su sẽ tiếp tục tăng nhẹ và những năm tiếp theo có khả năng sẽ biến động giảm. Trước thực trạng giá cao su không đạt như mong muốn và có những biến động, chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NT-PTNT và UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiên trì mục tiêu phát triển cao su bền vững để nâng cao chất lượng, giá trị; không mở rộng diện tích. Đối với cao su đang cho thu hoạch thì không nên khai thác quá mức.
“Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho sở và các đơn vị thuộc sở rà soát lại diện tích cao su. Riêng những diện tích cao su nằm ngoài quy hoạch, được trồng trên đất xấu, đất không phù hợp khiến cao su không phát triển được thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. Đối với diện tích tái canh hoặc kiến thiết cơ bản thì có thể trồng xen canh các cây trồng phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đồng thời có tính chất hỗ trợ nguồn thu để có chi phí chăm sóc vườn cao su”, ông Uyển nói.
Theo tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giá mủ cao su có xu hướng nhích lên trong những năm qua nhưng so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu thì cao su chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tiến sĩ Trương Hồng khuyến cáo, trừ những diện tích cao su quá xấu, trồng trên vùng đất không phù hợp buộc phải chuyển trồng cây khác hoặc trồng lại rừng, còn những vườn cao su đang sinh trưởng phát triển tốt thì cố gắng chăm sóc. Nếu giá chưa hiệu quả thì đầu tư tối thiểu để đảm bảo thu chi. Trường hợp nếu chuyển đổi cao su sang trồng cây khác thì cần hết sức cân nhắc, bởi cây cao su có thể trồng được ở những vùng đất hơi xấu, nguồn nước không đảm bảo, nếu không xem xét thận trọng khi chuyển đổi sẽ không mang lại hiệu quả, ảnh hưởng thu nhập, đời sống của người dân.

Nguồn: Hữu Phúc/sggp.org.vn