Sáng 15/11, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng ven biển (ICMP-GIZ) tổ chức Đối thoại bàn tròn “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam”. Theo Tổng cục Thủy sản, một nghịch lý vẫn xảy ra và dường như chỉ có ở Việt Nam, đó là tình trạng giá thành tôm nuôi luôn rất cao so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan…
Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đầu vào nuôi tôm hiện nay như giống, thức ăn, chế phẩm sinh học SX trong nước phục vụ tương đối đủ cho hộ nuôi, nhưng chất lượng còn kém, chưa ổn định. Hiện nay, giống sạch trong nước khan hiếm, đa phần muốn có giống sạch phải dựa vào thị trường nhập khẩu. "Tôm giống kém chất lượng tràn lan trên thị trường, quản lý rất khó khăn", ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, để giống có chất lượng phải tăng cường giám sát kiểm dịch các trại SX giống. Mạnh tay đình chỉ trại SX giống kém chất lượng hoặc phạt hành chính thật nặng để răn đe. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN hoặc các tổ chức hay HTX SX các đàn tôm giống bố mẹ chất lượng cao để phục vụ thị trường. Hướng đến SX ngành tôm bền vững hơn ở ĐBSCL, ông Benjamin Hodick, cố vấn cao cấp GIZ/ICMP, nhận định, đứng trước thực trạng tác động BĐKH hiện nay ở các tỉnh ven biển là ảnh hưởng rất lớn đến ngành SX tôm tại ĐBSCL. Để nuôi tôm bền vững, phải đặt ra vấn đề làm sao nuôi trồng thủy sản phải thân thiện với môi trường.
Hiện nay chi phí đầu vào cho ngành tôm còn cao so với các nước Thái Lan và Ấn Độ Bà Phan Thị Thu Oanh, PGĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, có 2 yếu tố người dân cần quan tâm là đầu vào và chất lượng nuôi tôm để cho ra sản phẩm sạch. Để làm được vấn đề này cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu tôm giống, đồng thời liên kết các viện trường với DN để thực hiện chuyển giao cho người nuôi. Còn việc thức ăn thủy sản quá bát nháo trên thị trường, đề nghị các cơ quan Trung ương cần quản lý từ gốc. Ông Lê Minh Quang, TGĐ Cty CP thủy sản Minh Phú, cho biết: Ngành tôm giống hiện nay cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tại, Cty nhập tôm giống của Ấn Độ và Thái Lan, khi kiểm tra rất ít kháng sinh, trong khi đó tôm SX tại Việt Nam kháng sinh lại rất cao. Tôm sú nhập về giá 75 đồng/con giống, trong khi đó các cơ sở SX tôm giống trong nước chỉ bán 35 đồng/con. Để cạnh tranh lành mạnh ngành chức năng cần phải quản lý mạnh tay trong ngành tôm, từ đó mới có sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, PTGĐ Cty CP Việt Nam: Chi phí SX tôm trong nước cao hơn so với các nước trên thế giới nhiều, nhưng tỷ lệ thành công hộ nuôi tôm còn thấp so với Thái Lan và Ấn Độ. Người nuôi tôm nông hộ ở Thái Lan có hơn 50% mua trực tiếp các sản phẩm ở nhà máy SX thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Còn hộ nuôi tôm ở Việt Nam chỉ có 15% mua trực tiếp các sản phẩm tại DN, số còn lại mua thông qua đại lý cấp 1 và 2. Hiện tại, Cty đang đưa ra 3 tiêu chí như: nuôi tôm sạch, nước sạch, đáy ao sạch… Sang năm 2017 CP mở rộng đầu tư mô hình nuôi tôm sạch từ đầu vào đến đầu ra ở ĐBSCL khoảng 10.000 hộ....
Nguồn: nongnghiep.vn