Trong năm 2016, tổng sản lượng thủy hải sản trên toàn cầu đạt mức cao kỉ lục 171 triệu tấn với khai thác tự nhiên chiếm 53% và nuôi trồng chiếm 47%. 88% trong số đó (tương đương 151 triệu tấn) được con người sử dụng trực tiếp. Sản lượng khai thác thủy sản chiếm 90,9 triệu tấn trong khi nuôi trồng thủy sản cung cấp 80 triệu tấn. Mặc dù vậy sự đóng góp của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản trong tiêu dùng của con người cao hơn so với đánh bắt tự nhiên.
Dựa trên thực tế nhu cầu tăng cao và cải tiến công nghệ, tổng sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đạt 201 triệu tấn vào năm 2030, tức là tăng 18% (tương đương 30 triệu tấn) so với năm 2016, tỉ lệ tăng hàng năm chỉ đạt 1% trong giai đoạn 2016 - 2030 so với 2,3% trong giai đoạn 2003 - 2016.
Tuy nhiên, đến năm 2030, FAO dự kiến sản lượng khai thác thủy sản sẽ đạt khoảng 91 triệu tấn, chỉ tăng 1% so với năm 2016. Dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến sự hạn chế tăng trưởng này sẽ gồm sản lượng khai thác ở Trung Quốc giảm 17% do thực hiện các chính sách mới.
Về vấn đề này, các chuyên gia tin rằng sản lượng sẽ được bù đắp từ khu vực đánh cá, nơi trữ lượng của một số loài nhất định đang phục hồi do quản lí được cải thiện và tăng cường đánh bắt trong vùng biển của một số quốc gia có nguồn tài nguyên kém cũng như các biện pháp quản lí nghề cá được nới lỏng hơn.
Ngoài ra, AO cảnh báo hiện tượng El Niño dự kiến sẽ làm giảm sản lượng đánh bắt ở Nam Mỹ, đặc biệt là cá cơm, dẫn đến sản lượng khai thác thủy sản trên thế giới giảm khoảng 2%.
Sự tăng trưởng chủ yếu của tổng sản lượng thủy sản vẫn bắt nguồn từ việc nuôi trồng, dự kiến sẽ đạt 109 triệu tấn vào năm 2030, tăng 37% so với năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nuôi trồng thủy sản sẽ chậm lại, chỉ đạt 2,1% trong giai đoạn 2017 - 2030 so với mức 5,7% trong giai đoạn 2003 - 2016.
Theo FAO, sự chậm lại trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc sẽ khiến giá tại nước này tăng lên, kéo giá thế giới tăng theo. Mức tăng giá trung bình của thủy sản nuôi thả (19%) sẽ lớn hơn so với mức tăng của thủy sản đánh bắt tự nhiên (17%). Tóm lại do nhu cầu tăng mạnh, giá thủy sản trung bình trên toàn cầu ở thời điểm 2030 sẽ tăng 25% so với 2016.
Bên cạnh đó, giá bột cá và dầu cá dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng tăng với mức tăng trưởng lần lượt là 20% và 16% do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. FAO cũng cho rằng giá thức ăn cho cá cao có thể có tác động đến thành phần loài của khu vực nuôi trồng thủy sản trong tương lai với xu hướng hướng đến các loài thủy sản nuôi tốn ít thức ăn hơn.
Trên thực tế, tính đến cả yếu tố lạm phát, giá tất cả mặt hàng sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn dự báo tuy nhiên sẽ vẫn ở mức cao. Đối với các mặt hàng thủy sản riêng lẻ, biến động giá có thể rõ rệt hơn do sự thay đổi của cung hoặc cầu.
Vì nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn trong nguồn cung cá thế giới, ngành này có thể có tác động mạnh mẽ hơn đến sự hình thành giá trong ngành thủy sản toàn cầu.
Nguồn: VITIC tổng hợp