Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, một số nhà máy đường đã bước vào vụ sản xuất mới, niên vụ 2017-2018, tồn kho đường tính đến ngày 1/9/2017 là trên 473.000 tấn, trong đó, tại các nhà máy trên 420.000 tấn, tại các công ty thương mại trên 53.000 tấn. VSSA khẳng định, nguồn cung đường dồi dào, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ Tết Trung thu và các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng khác.
Khảo sát của VSSA cho thấy, giá đường bán buôn (có VAT) trong nửa đầu tháng 9/2017 ở Hà Nội đối với đường kính trắng dao động từ 13.300 - 14.500 đồng/kg, đường tinh luyện từ 15.800 - 16.400 đồng/kg; tại TP. Hồ Chí Minh, đường kính trắng từ 13.500 - 14.500 đồng/kg, đường tinh luyện từ 16.500 - 16.800 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá nêu trên vẫn cao hơn rất nhiều so với giá đường thương mại trên thị trường thế giới. Chẳng hạn, giá đường trắng No5 ngày 8/9 tại thị trường Luân Đôn (Anh) giao kỳ hạn tháng 10/2017 chỉ ở mức 374,3 USD/tấn (tương đương khoảng 8.420 đồng/kg theo tỷ giá quy đổi ngày 18/9). So với đường cùng loại không có nhãn mác (đường lậu từ Thái Lan…) bán trên thị trường, giá đường trong nước luôn cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Nguyên nhân giá đường Việt Nam cao hơn giá đường thế giới là do chi phí nguyên liệu đầu vào còn rất cao (chiếm 75-80% giá thành sản phẩm). Đây là điểm yếu cốt lõi của ngành mía đường Việt Nam trong nhiều năm qua đã được mổ xẻ rất nhiều, song đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi giải quyết triệt để vấn đề này. Giá đường cao khiến năng lực cạnh tranh ngành đường Việt Nam yếu thế so với các nước trong khu vực và thế giới, luôn bị đường nhập lậu giá rẻ chèn ép, tình trạng tồn kho đường cao thường xuyên diễn ra.
Theo dự báo của VSSA, trong tháng 9 sẽ có thêm một số nhà máy đường vào vụ sản xuất mới, nguồn cung đường tiếp tục dồi dào, giá đường thế giới vẫn đang ở mức thấp và có xu hướng tiếp tục giảm.
Nguồn: Lan Ngọc/Báo Công Thương điện tử