Theo đó, các đơn này xin nhập khẩu gạo trắng 5% và 25% tấm, gạo thơm 5% tấm và gạo nếp 10% tấm.
NFA cho biết số lượng đơn đăng kí từ các thương nhân gạo tính đến ngày 21/1 vẫn chưa gây ra bất cứ mối đe dọa nào tới thị trường gạo trong nước.
"Tính tới thời điểm hiện tại, [con số này] vẫn ở mức ổn. Mặc dù có 180 ứng viên, nhưng hầu hết họ vẫn chưa thực sự nhập khẩu", ông Tomas Tomas R. Escarez, Quản trị viên phụ trách NFA, cho biết hôm thứ Ba (22/1).
Trả lời phỏng vấn từ Reuters, người phát ngôn của NFA cho biết cơ quan này không đưa ra bất kì thời hạn nào đối với việc tiếp nhận đơn xin nhập khẩu.
Trong số 180 ứng viên, 18 thương nhân đã được cấp giấy phép nhập khẩu trước đó, theo dữ liệu của NFA tính đến ngày 18/1.
Năm ngoái, NFA đã cho phép 5 công ty tư nhân nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Cơ quan này cũng đạt được thỏa thuận thu mua 250.000 tấn gạo với chính phủ với Thái Lan và Việt Nam, đây sẽ là lần mua cuối cùng khi Philippines chuyển sang tự do hóa nhập khẩu gạo.
Philippines loại bỏ chính sách hạn ngạch nhập khẩu kéo dài trong hai thập kỉ sau khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn từ mức giá gạo cao.
Nhập khẩu không giới hạn
Tháng 10/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte đã ra lệnh nhập khẩu gạo không giới hạn sau khi tỉ lệ lạm phát của quốc gia này lên tới 6,7% trong tháng 9 và tháng 10, mức cao nhất trong gần một thập kỉ, với nguyên nhân một phần là giá lương thực.
Các nhà nhập khẩu được phép nhập khẩu gạo từ bất kì quốc gia nào, nhưng ngũ cốc từ các nhà cung cấp Đông Nam Á sẽ bị áp thuế 35% trong khi từ nơi khác sẽ phải đối mặt với mức thuế 50%.
Các nhà lập pháp đã phê duyệt dự luật loại bỏ giới hạn nhập khẩu đối với nhập khẩu gạo và thay thế bằng thuế quan. Ông Duterte có khả năng sẽ sớm kí đưa dự thảo này thành luật, người phát ngôn của tổng thống ông Salvador S. Panelo hôm 22/1 cho hay.
Lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 11 và tháng 12, và luật thuế quan gạo có thể giúp kiềm chế nó tới 0,7 điểm phần trăm trong năm nay, ngân hàng trung ương Philippines nhận định. Gạo là mặt hàng thực phẩm lớn nhất trong chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này.
Theo luật thuế quan gạo, NFA sẽ chỉ tập trung vào việc mua gạo từ nông dân địa phương để dự trữ quốc gia trong khi thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng cho các công ty tư nhân.
Thuế quan thu được từ việc nhập khẩu sẽ được chuyển đến quĩ nâng cao năng lực cạnh tranh lúa gạo, giúp nông dân trồng lúa Philippines tăng năng suất bằng cách cung cấp giáo dục, hạt giống và công nghệ.
Trong một tuyên bố chung, các nhóm doanh nghiệp cho biết họ ủng hộ động thái của chính trong việc tự do hóa nền kinh tế thông qua biện pháp thuế quan và kêu gọi ông Duterte sớm ban hành dự luật.
Theo BusinessWorld, các nhóm doanh nghiệp nhận định luật thuế quan gạo sẽ giúp giải quyết lo ngại nguồn cung, nguyên nhân gây ra lạm phát trong năm ngoái, thông qua cạnh tranh tự do và cởi mở.

Nguồn: Vietnambiz