Niên vụ mía 2019 – 2020, tại vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú - tỉnh Trà Vinh nông dân chỉ trồng khoảng 2.400 ha, chiếm hơn 40% diện tích trồng mía của huyện cánh đây 4 năm, diện tích giảm thấp do giá mía liên tục giảm từ hơn 1.000 đồng/kg ở niên vụ mía 2016 – 2017 xuống còn 820 đồng/kg ở niên vụ mía 2018 – 2019 và hiện tại 800 đồng/kg.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), giá bán buôn đường kính trắng tháng 11 ở mức 12.500 – 13.000 đồng/kg, giá ổn định tới hết tháng 11 nhưng tiêu thụ rất kém, đầu tháng 12, giá có xu hướng giảm. Tháng 12, nhu cầu đường tăng để chuẩn bị cho Tết nguyên đán Canh Tý. Các nhà máy đường sản xuất tháng 12/2019 sẽ bắt đầu cung ứng cho thị trường, dù nguồn dự trữ vẫn ổn. Ngoài ra, nguồn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 sẽ bổ sung nếu nhu cầu tăng.
Lượng đường tồn kho lớn
Giá mía nguyên liệu xuống thấp, lượng đường tồn kho lớn khiến ngành đường đang gặp khó. Hiện nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường, trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn đường; niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường. Diện tích mía nguyên liệu ở nước ta giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước.
Cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, mức cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành mía đường. Hệ lụy là, 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Điển hình như tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, lượng đường đang ùn ứ khoảng 40.000 tấn, giá trị tương đương 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa tồn kho khoảng 15.000 tấn, tương đương hơn 170 tỷ đồng. Tổng diện tích mía đường của Việt Nam khoảng 250.000ha. Với năng suất bình quân hiện nay 66 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 17 triệu tấn mía đường, hàng năm ép ra khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn đường. Cạnh tranh giá đường trên thị trường quốc tế rất khó khăn. Giá thành của chúng ta cao và xu hướng thị trường thế giới đang thừa đường.
Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Việc gia nhập và thực thi ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.
Theo các chuyên gia, để nâng cao thu nhập cho người dân trồng mía, cần phải chuyển từ sản xuất theo bề rộng sang sản xuất theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh; phải liên kết chặt chẽ giữa các hộ để tạo cánh đồng lớn, đưa máy móc vào sản xuất, như vậy, mới hạ giá thành, nâng cao năng suất; khi chúng ta phát triển, mở rộng các vùng nguyên liệu phải cân đối với đầu ra, với nhu cầu thị trường và năng lực của nhà máy, các địa phương phải có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất ra sản phẩm và chế biến công nghiệp. Việc tuân thủ quy hoạch, phát triển một cách có kế hoạch gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ cho sản xuất mía là chìa khóa làm tăng hiệu quả trong sản xuất mía. Ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ những nhà máy có sức mạnh và có quy mô nhất định bằng cách hợp nhất, liên doanh, đảm bảo cho đủ năng lực cạnh tranh về công suất là con đường duy nhất phải thực hiện. Cùng với đó, phải rà soát lại tất cả các khâu, trong đó có khâu giống, để đẩy năng suất của cây mía không phải 66 tấn/ha mà phải 80 tấn/ha, thậm chí 100 tấn/ha thì mới đủ khả năng cạnh tranh.
Trước khó khăn của ngành mía đường, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đưa cây mía phát triển một cách bền vững. Có như vậy, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) có hiệu lực, người trồng mía và doanh nghiệp mới có thể đứng vững trên sân nhà.
Nguồn: VITIC