Sở Công thương tỉnh Gia Lai vừa trao giấy Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 cho sản phẩm gạo hữu cơ Ba Chăm; đồng thời chọn loại gạo này để đưa tham gia bình chọn khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo đó, Ban tổ chức Chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã công nhận gạo Ba Chăm là “Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng”.
Phục tráng giống lúa quý
Ba Chăm là giống lúa quý của đồng bào Bahnar ở xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Người Bahnar sản xuất lúa Ba Chăm trên đồng ruộng bậc thang. Với phương thức canh tác hữu cơ truyền thống, dựa vào điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên và nguồn nước trời nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tươi tốt, kháng bệnh cao.
Ông Bluch, 70 tuổi, Già làng Đê Klong, xã Đăk Trôi cho hay, người Bahnar ở đây không biết cây lúa Ba Chăm có từ lúc nào. Chỉ biết rằng, những người cao tuổi ở Đăk Trôi từ khi mới sinh ra đã ăn loại gạo này. Và cho tới bây giờ, cả xã Đăk Trôi chỉ ăn duy nhất gạo Ba Chăm mà không ăn loại gạo nào khác. Cả vùng đất này chỉ gieo trồng duy nhất giống lúa Ba Chăm, với tổng diện tích khoảng 350ha.
Theo ông Mơn, cán bộ Hội Nông dân xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang, lúa Ba Chăm được đồng bào ở đây canh tác theo phương thức chọc trỉa, mỗi năm một vụ. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch là 8 tháng. Tháng ba, người Bahnar chọc lỗ trỉa hạt, sang tháng Tư trời mưa xuống, hạt lúa đội đất nhú mầm. Tháng chín, tháng mười lúa trổ bông, làm đòng. Đến tháng mười một, đây là thời điểm của mùa khô Tây Nguyên, nước trong ruộng khô dần, lúa chín và là thời điểm thu hoạch lúa.
Tuy nhiên, do giống lúa Ba Chăm được lưu giữ, gieo trồng gần 100 năm qua nên thế hệ lúa xác nhận đang bị thoái hóa và cho năng suất thấp. Do vậy mà người Bahnar rất muốn phục tráng lại giống lúa, trở thành giống lúa nguyên chủng để có thể cho năng suất cao.
Ông Lê Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Lúa Ba Chăm là loại giống được người Bahnar gieo trồng tại các xã Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, nhưng tập trung diện tích nhiều nhất tại xã Đăk Trôi. Đây là giống lúa truyền thống vô cùng quý giá và đã lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Bahnar. Họ sử dụng gạo Ba Chăm theo nhu cầu tự cung tự cấp, không có sản xuất thương mại, bởi vì sản lượng ít và bị ép giá. Vì thế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cần can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho người Bahnar; đồng thời nâng tầm thương hiệu cho hạt gạo Ba Chăm.
“UBND huyện Mang Yang đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và xã Đăk Trôi, tiến hành xây dựng và triển khai Đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm, dự kiến trong 3 năm, từ năm 2018 – 2020. Qua đó cung cấp giống lúa có chất lượng, năng suất cao và từng bước mở rộng quy mô, tăng diện tích gieo trồng giống lúa này”, ông Lê Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang bày tỏ quyết tâm như vậy.

Gạo Ba Chăm là loại nông sản nổi tiếng của đại ngàn Tây Nguyên. Loại đặc sản này được ví là “hạt ngọc” trời ban cho đồng bào Bahnar. Trong ảnh: Người Bahnar thu hoạch lúa Ba Chăm - Nguồn: LS.
Bắt tay nhau cùng làm
Để mở rộng vùng nguyên liệu và nâng tầm thương hiệu gạo hữu cơ Ba Chăm của người Bahnar, UBND tỉnh Gia Lai đã liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) tiến hành khảo sát, phục tráng giống lúa, mở rộng vùng nguyên liệu và kí kết hợp tác tiêu thụ nông sản cho bà con người Bahnar.
Theo đó, UBND huyện Mang Yang đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức nghiên cứu, phục tráng giống lúa Ba Chăm của người Bahnar. Thời gian thực hiện Đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm là 3 năm (2018-2020), với mục đích cung cấp giống lúa có chất lượng, năng suất cao và từng bước mở rộng quy mô, tăng diện tích gieo trồng giống lúa này.
Để giúp người Bahnar tiêu thụ gạo đặc sản Ba Chăm, Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai đã xây dựng dự án cánh đồng mẫu lớn tại xã Đăk Trôi, với kế hoạch mỗi năm mở rộng 100ha diện tích lúa Ba Chăm, thời gian thực hiện 5 năm (2018-2022).
Kế hoạch này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai chấp thuận và cho triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây lúa Ba Chăm trên địa bàn xã này.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai cho rằng: “Thung lũng Đăk Trôi nằm trong vùng bán ngập của công trình Thủy lợi Ayun Hạ. Mỗi khi mùa mưa về, nước lũ mang lượng lớn phù sa bồi lắng và cộng với chất hữu cơ mùn lá trên các cánh rừng đổ về thung lung đã trở thành nguồn dưỡng chất tự nhiên để nuôi cây lúa. Nhờ vậy, lúa Ba Chăm ở Đăk Trôi luôn tốt tươi, thân cao lút đầu người”.
Với phương thức canh tác hữu cơ truyền thống dựa vào điều kiện tự nhiên nên lúa Ba Chăm cho hạt gạo sạch và thơm ngon. Gạo không chứa thuốc bảo vệ thực vật, không bị sâu rầy gây hại, không nhiễm nấm bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Gia Lai chứng nhận gạo Ba Chăm là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khẳng định sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, giúp nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa hạt gạo Ba Chăm đến với nhiều gia đình cả nước.
Gạo Ba Chăm còn gọi là gạo Blat, gạo Gor. Đây là sản vật biệt đãi của thiên nhiên, tặng riêng cho đồng bào Bahnar ở xã Đăk Trôi. Đây là giống lúa truyền thống, được đồng bào Bahnar chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống chọc trỉa hạt giống. Cây lúa sinh trưởng, phát triển hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không có can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...
Gạo Ba Chăm là nông đặc sản sạch, chất lượng cao, an toàn cho người dùng. Nhờ tích tụ khí trời, hương đất nên cơm nấu từ gạo Ba Chăm giữ trọn hương vị đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Đây là loại gạo rất tốt cho trẻ em, người già.
Nguồn: Lê Sơn/Pháp luật TP HCM