Trung Quốc lùng mua doanh nghiệp Việt

Theo trang web nld.com.vn, nhiều người môi giới và doanh nghiệp (DN) có liên quan đến Trung Quốc đang mua lại, góp cổ phần vào các DN xuất khẩu nông sản, thủy hải sản quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam. Doanh nghiệp cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội ngay trên sân nhà

Một chuyên gia tài chính kể mới đây một số nhà môi giới làm việc cho Trung Quốc đã đặt hàng ông "săn" các DN nhỏ và vừa đang niêm yết trên sàn UpCom hoặc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản để tham gia góp vốn đầu tư, giành quyền chi phối.

Thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng 3,4 tỉ USD mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các DN tại Việt Nam. Cụ thể, tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp FDI cấp mới và tăng thêm là 1,6 tỉ USD, còn lại hơn 800 triệu USD là vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán cổ phần DN. Đáng nói, hơn 1.029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 USD để góp vốn vào DN Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu USD cho hơn 800 dự án trong năm 2017.

Tổng giám đốc một DN nông sản xuất khẩu Việt Nam cho rằng DN nội địa không kỳ thị đối tác, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc nhưng phải thận trọng cân nhắc, hiểu họ muốn gì, cần gì để có cách ứng xử phù hợp.

Nhập khẩu ngô gần bằng xuất khẩu gạo

Theo thông tin từ Vietnambiz.vn, nếu như năm 2011, chúng ta chỉ phải nhập 1 triệu tấn ngô về chế biến làm thức ăn chăn nuôi, thì năm 2018, con số đó đã lên đến gần 9 triệu tấn, với giá trị trên 1,5 tỷ USD, xấp xỉ số tiền xuất khẩu gạo mang về. Nhu cầu về ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng lên hàng năm, trong khi lượng ngô trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Vì ngô nhập có giá rất rẻ. Mỗi kg ngô nhập về đến cảng Việt Nam có giá chỉ 4,500 đồng, trong khi giá thành ngô trong nước đã từ 5.500 đến 6.000 đồng một kg. Ngô nước ngoài rẻ, vì ở các nước đó, việc canh tác của họ đã được cơ giới hóa, tự động hóa từ lâu, và nông dân của họ làm chủ những cánh đồng lớn hàng trăm ha.

Con đường duy nhất để giải bài toán nông sản là tích tụ đất đai để tạo ra những cánh đồng lớn, đưa công nghệ cao vào canh tác.

Doanh nghiệp chế biến điều cần cẩn trọng trong năm 2019

Vietnanmbiz.vn đưa tin, dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng, các doanh nghiệp không vội kí hợp đồng khi vụ mùa chưa bắt đầu đầu.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu điều nhân cuối năm 2018 trầm lắng. Theo đó, các thị trường EU và Mỹ vào kì nghỉ lễ dài để đón năm mới và Giáng Sinh nên tạm ngưng giao dịch kéo theo giá điều cũng “lặng sóng”.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay các hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 đã được thực hiện ở khâu sản xuất, do đó nhu cầu hạt điều dự kiến yếu thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều được bổ sung khi nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch sớm.

Vinacas cho biết thêm thị trường điều thô cũng kém sôi động. Chỉ còn một số nhà máy sản xuất, chế biến nhỏ thiếu hụt nguyên liệu nên họ chấp nhận mua với giá cao hơn so với giá điều mặt bằng thị trường. Tuy nhiên, giao dịch với số lượng nhỏ.

Tại các kho ngoại quan, vẫn còn một lượng tương đối điều thô vẫn chưa bán được do chất lượng kém. Ngoài ra, một số nhà cung cấp chào hàng từ Tây Phi và Guinea Bissau nhưng hầu như người mua Việt Nam không mấy quan tâm.

Chủ tịch Vinacas dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng từ ngay đầu thu mua, nhất là từ Tây Phi vì có thể xảy ra việc trộn nguyên liệu cũ.

Sóc Trăng điêu đứng vì hành chết do ngập úng

Theo tin từ Vietnambiz.vn, người trồng hành tím vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực khắc phục lại sản xuất sau bão. Tuy nhiên, việc hành tím bị ngập úng lâu ngày, khiến nhiều diện tích hành của địa phương này không thể khắc phục được, thiệt hại trắng, nhiều diện tích bị ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng củ hành.

Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, mưa bão vừa qua làm hơn 2.100 ha trên tổng số 3.700 ha hành tím vụ Tết của người nông dân ở thị xã Vĩnh Châu bị mưa ngập, trong đó có hơn 600 ha bị ngập sâu, ngập lâu ngày ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng hành tím, hoặc bị thiệt hại trắng.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ

Theo tin từ Vietnameconomy, Sự cạnh tranh giữa kênh truyền thống và hiện đại, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cạnh tranh giữa bán hàng trực tiếp và online...

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017. Con số này đã phần này chứng minh cho cả một năm tăng trưởng của thị trường bán lẻ.

Đặc điểm nổi bật nhất trong năm 2018 về thị trường bán lẻ là sự cạnh tranh. Đó là sự cạnh tranh giữa kênh truyền thống và hiện đại, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cạnh tranh giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online.

Nguyên nhân khiến doanh số các chợ truyền thống sụt giảm trong năm 2018, vừa do bản thân các tiểu thương, vừa do chính quyền sở tại.

Các tập đoàn lớn như Alibaba, Amazon, Adayroi, Tiki... đang phát triển rất mạnh mẽ và kênh bán online đã xâm lấn thị trường bán lẻ trong nước. Các nhà bán lẻ trực tiếp cần phục vụ người tiêu dùng một cách "tử tế" nếu không muốn thị trường rơi vào tay các doanh nghiệp bán hàng online.

Hàng Việt đối mặt các vụ kiện

Theo nguồn tin từ nld.com.vn, hội nhập sâu rộng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy khiến hàng hóa Việt đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11-2018, đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị kiện nhiều hơn nữa.

Sắt thép, sợi, đồ gia dụng, điện tử, lốp xe... xuất khẩu là những mặt hàng đã có tên trong danh sách bị kiện. Do bị nghi ngờ là nơi "rửa" xuất xứ cho sản phẩm của nước láng giềng Trung Quốc, ngành thép Việt Nam năm qua trở thành tâm điểm hứng "mưa" các vụ kiện phòng vệ thương mại của hàng loạt quốc gia như Mỹ, Canada, EU, Ấn Độ… Hậu quả là từ tháng 5-2018, hơn một tháng sau khi EU tuyên bố điều tra phòng vệ 26 sản phẩm thép có xuất xứ các nước, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang EU bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến tháng 10-2018, xuất khẩu mặt hàng này sang EU giảm từ mức hơn 89 triệu USD của tháng 5-2018 còn khoảng 63 triệu USD. Với thị trường Mỹ, tuy xuất khẩu thép vẫn tăng nhưng khó duy trì lâu dài bởi nước này vẫn đang trong quá trình điều tra một số mặt hàng thép Việt.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng không tránh khỏi làn sóng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia, đỉnh điểm là chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với gói đánh thuế bổ sung 200 tỉ USD vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, mặt hàng đồ gỗ chính thức bị ghi tên vào danh sách các mặt hàng bị hạn chế đưa sang Mỹ.

Nguy cơ ùn ứ hàng ở cảng

Thông tin từ nld.com.vn, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tại cảng Cát Lái có gần 3.000 container hàng tồn (khoảng 5.200 teu) và đã chuyển đến Tân Cảng Hiệp Phước 800 container (1.500 teu). Tại Tân Cảng Hiệp Phước, lượng hàng nằm cảng đã chiếm 60%-65%. Việc chiếm dụng bến bãi sẽ hạn chế khả năng tiếp nhận hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) khác đồng thời gây ra tình trạng ùn ứ, nhất là trong dịp Tết.

Theo tính toán, tốc độ quay vòng của 1 container ở cảng trung bình 5-6 ngày nên 1 teu hàng nằm cảng 1 năm sẽ làm mất cơ hội tiếp nhận 55-60 teu khác. Như vậy, nếu không có giải pháp đồng bộ, cảng Cát Lái sẽ rơi vào tình trạng ùn ứ trong thời gian tới, gây bất lợi cho DN nhập khẩu và cảng, ảnh hưởng kinh tế chung của TP HCM.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 4 cảng biển có lượng hàng hóa làm thủ tục lớn nhất nước gồm: Hải Phòng, Cát Lái, Bình Dương, Cái Mép. Trong đó, Cát Lái đang phải chịu áp lực lớn vì hàng phế liệu tồn đọng nhiều. Để giảm áp lực, tạo thông thoáng cho DN thuận tiện thông quan hàng hóa trước Tết nguyên đán, Bộ Giao thông Vận tải cho phép di chuyển hàng về cảng ICD Tân Cảng - Long Bình lưu giữ và thực hiện các thủ tục hải quan.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet