Theo đó, vụ Mùa 2019-2020, diện tích 66.000 ha, chủ yếu sản xuất trên nền đất nuôi tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng, phần ven biển huyện Hòn Đất, Kiên Lương, gieo cấy từ 25/8-25/9.
Vụ đông xuân 2019-2020, diện tích kế hoạch 288.823 ha, sản lượng thu hoạch hơn 2 triệu tấn. Khung thời vụ khuyến cáo tại vùng U Minh Thượng gieo sạ từ 1/9, chậm nhất đến 10/10 là kết thúc, để tránh hạn, mặn xâm nhập. Vùng đông xuân chính vụ, do dự báo lũ thấp nên có thể gieo sạ sớm, chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ 20-30/10, đợt 2 từ 20-30/11 và đợt 3 từ 20-30/12.
Theo khuyến cáo của TS Đỗ Minh Nhật, căn cứ vào tình hình thủy văn, dự báo dịch hại và nhu cầu thị trường gạo xuất khẩu thời gian tới, khuyến cáo cơ cấu giống lúa vụ đông xuân như sau: nhóm gạo thơm Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM 4900, ST 24, nhóm hạt dài, năng suất cao OM 5451, GKG 1, OM 2517, OM 6976… Riêng nhóm hạt tròn Japonica và giống nếp, như: ĐS1, IR4625... chỉ nên sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm nhận định, thời tiết, thủy văn thời gian tới sẽ diễn biến rất khắc nghiệt. Lũ mùa nước nổi năm nay dự báo đã đạt đỉnh, chỉ quanh mức báo động 1, rất nhỏ và sẽ xuống nhanh. Vì vậy, xâm nhậm mặn sẽ tăng cao. Dự báo, từ tháng 12 xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng trong phạm vi cách biển đến 30-35 km, từ tháng 1-2/2020, ranh mặn 4%o vào sâu nội đồng các cửa sông Cửu Long từ 45-55 km.
Chi phí bơm tưới vụ đông xuân tới sẽ rất cao, do lũ kiệt, mực nước trên sông, rạch sẽ xuống rất thấp. Vì vậy, ông Tâm đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác thủy lợi, nạo vét kênh rạch và tăng cường đầu tư các trạm bơm điện để giảm bớt chi phí sản xuất cho người dân.
Vụ hè thu 2019, nông dân Kiên Giang xuống giống đạt 290.171/280.000 ha, đến giữa tháng 9 đã thu hoạch được 211.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,36 tấn/ha, sản lượng cuối vụ ước đạt gần 1,6 triệu tấn. Vụ thu đông gieo trồng 78.674/83.000 ha, đã thu hoạch 14.000 ha, năng suất bình quân 5,35 tấn/ha, sản lượng toàn vụ ước đạt 424.840 tấn.
Cũng theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, tình hình sâu bệnh tổng hợp trên lúa trong tuần 24/9 được dự báo như sau:
- Các tỉnh Bắc Trung bộ:
Chuột tiếp tục gây hại. Bệnh khô vằn hại nặng trên các chân ruộng bón thừa đạm. Bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh đen lép hạt gây hại trong điều kiện thời tiết mưa bão, đặc biệt trên các chân đất hẩu, lầy thụt, diện tích bón phân không cân đối.
- Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên:
Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đen lép hạt... gây hại trên lúa Mùa muộn, lúa vụ 3 giai đoạn trỗ đến chín. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông hại ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ và chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân... gây hại trên lúa vụ 3, lúa Mùa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.
- Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL:
Rầy nâu phổ biến tuổi 5, trưởng thành, dự báo sẽ có đợt rầy di trú từ 19 - 26/9. Bệnh đạo ôn phát triển tăng ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ. Đặc biệt thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay rất thích hợp cho bệnh đạo ôn gia tăng diện tích nhiễm.
- Các tỉnh Bắc bộ:
Sâu đục thân 2 chấm: sâu non gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn. Rầy nâu-rầy lưng trắng gây hại diện rộng trên các trà lúa mùa muộn. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại tăng trên các giống nhiễm. Chuột, bọ xít dài, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lụi, lúa cỏ... tiếp tục hại.
Nguồn: VITIC