Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến hầu hết các thị trường hàng hóa rung lắc, trong đó không ngoại trừ thị trường cà phê.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn London tiếp tục đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 19 USD, lên 1.364 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 17 USD, lên 1.381 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Giá cà robusta hồi phục do đồng USD giảm nhẹ trở lại và đồng Euro mạnh lên theo sự lạc quan của kinh tế khu vực Eurozone. Bên cạnh đó, còn do sự kháng giá của nông dân các nước sản xuất. Đặc biệt, tại thị trường nội địa Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, thương mại phải nâng giá chênh lệch lên mức cộng mới mua được hàng .
Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn New York có xu hướng ổn định. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,05 cent, xuống 90,8 cent/lb, trong khi kỳ hạn giao tháng 9 không thay đổi, vẫn ở 93,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,05 cent lên 96,6 cent/lb, các mức tăng/giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Giá chững lại khi đầu cơ và quỹ trên sàn New York quay trở lại bán ròng, trong bối cảnh tỷ giá đồng real có phần ổn định khiến người Brazil vẫn duy trì sức bán và thu hoạch vụ mùa mới đang có vẻ thuận lợi.
Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn nhắc lại khả năng giá cà phê còn trì trệ kéo dài ít nhất vài tháng nữa, cho tới khi thu hoạch vụ mùa năm nay ở Brazil trở nên rõ ràng hơn.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ tháng Tư của Hải quan Việt Nam cho thấy, khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng, chủ yếu là cà phê robusta, đạt 143.296 tấn, tương đương 2.388.267 bao, (loại 60 kg), giảm 16,7% so với tháng trước, đưa khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 lên đạt 631.946 tấn (khoảng 10,52 triệu bao), giảm 13,1% so với khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018.