Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 7 USD/tấn so với một tuần trước, lên 382-387 USD/tấn, do đồng rupee tăng giá buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá lên mặc dù nhu cầu yếu.
“Nhu cầu xuất khẩu rất thấp, nhưng chúng tôi phải tăng giá bán để bù lại những ảnh hưởng do rupee mạnh”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền nam Ấn Độ Andhra Pradesh cho biết.
Rupee tăng giá 5,6% từ đầu năm tới nay, và hiện cao nhất trong gần 20 tháng. Đồng rupee mạnh lên làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nước này.
“Trên thị trường trong nước, cung lúa vụ Hè đang giảm. Trong vài tuần tới, vụ Đông sẽ bắt đầu cho thu hoạch và khi đó khả năng giá gạo trong nước sẽ giảm xuống”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Mumbai cho biết.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chủ yếu xuất khẩu loại phi – basmati sang các nước châu Phi và gạo basmati chất lượng cao sang Trung Đông. Sản lượng gạo nước này niên vụ 2016/17 dự báo tăng 4,3% lên kỷ lục cao 108,86 triệu tấn.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện khoảng 350 – 365 USD/tấn, FOB Bangkok. Thị trường Thái Lan nghỉ giao dịch ngày 14/4 nhân dịp Tết truyền thống.
Trong khi đó tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, thị trường trầm lắng do nhu cầu yếu và giá khá cao trong bối cảnh lo ngại mưa sẽ ảnh hưởng tới chất lượng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này gần như không thay đổi ở mức 350-355 USD/tấn, FOB Sài Gòn, gần bằng giá gạo Thái Lan.
“Mưa trái mùa ở một số khu vực đang thu hoạch đã ảnh hưởng tới chất lượng, nhưng không quá nghiêm trọng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Do ảnh hưởng mưa đầu mùa, nhiều diện tích lúa đông xuân tại Đồng Tháp đến ngày thu hoạch bị đổ ngã, thương lái bỏ cọc không thu mua, giá liên tục giảm.
Thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của các trận mưa đầu mùa dẫn đến tình trạng nhiều diện tích lúa đông xuân (ĐX) 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến ngày thu hoạch bị đổ ngã, thương lái bỏ cọc không thu mua, giá bán liên tục giảm, khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 183 ngàn ha diện tích lúa ĐX 2016 - 2017 đang thu hoạch, đạt 88,8% diện tích xuống giống, năng suất bình quân 5,65 tấn/ha. Các diện tích lúa ĐX còn lại ở giai đoạn trỗ chín hơn 23 ngàn ha. (baodongthap.com.vn)
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý I ước tính giảm 23,9% so với cùng quý năm ngoái, xuống 1,19 triệu tấn, sau khi đã giảm 26,5% trong năm 2016 do sản lượng giảm bởi biến đổi khí hậu.
Bộ NN&PTNT cho biết, dù xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm 2017 có giảm, nhưng riêng thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 1,28 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 570 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng hai đầu năm, với khoảng 36% thị phần. Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines (chiếm gần 25% thị phần) cũng tăng khá mạnh, đạt trên 206 triệu tấn, kim ngạch gần 80 triệu USD.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, một số thị trường truyền thống xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh như: Gana, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia…
Hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm có giá 350- 355 USD/tấn (giá FOB, cảng Sài Gòn), giảm khoảng 5 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo xuất khẩu giảm là do nguồn cung lúa Đông Xuân tăng.-Reuters
Một số thông tin liên quan
Ngành trồng lúa Italia phản đối gạo châu Á
Các nhà sản xuất gạo Italia đã lên tiếng báo đọng về sự cạnh tranh từ châu Á, cho rằng ngành lúa gạo nước này đang rơi vào khủng hoảng và người tiêu dùng nhiều khi vô tình mua phải những loại gạo bị nhiễm thuốc trừ sâu và có thể được thu hoạch bởi trẻ em.
Hiệp hội nông dân Italia, Coldiretti cho biết gạo nhập khẩu từ châu Á đang tác động tới giá gạo trong nước, và những quy định lỏng lẻo về nhãn mác khiến cho nhiều gia đình không thể theo dõi nguồn gốc của các sản phẩm bán trong siêu thị.
“Trong năm qua, giá gạo bán trê thị trường đã giảm một nửa, và khối lượng nhập khẩu từ Đông Nam Á tăng gấp 4 lần”, giám đốc của Coldiretti, ông Roberto Moncalvo cho biết khi tham gia cùng những người phản đối gạo nhập khẩu đứng trước cổng Bộ Nông nghiệp ở Rome.- AFP
Nhập khẩu gạo Indonesia năm 2017 dự báo giảm một nửa
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu gạo Việt Nam từ các xuất xứ khác trên thế giới trong năm 2017 sẽ giảm một nửa xuống 500.000 tấn.
Indonessia, nước đông dân thứ 4 trên thế giới và là khách hàng lớn của gạo Việt Nam, từ đầu năm tới nay chưa quay trở lại Việt Nam để mua gạo.
Indonesia năm nằm trong top 10 nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam giai đoạn 2010-2016, với khối lượng nhập năm 2011 gần đạt 1,9 triệu tấn, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Việt Nam.
Nhưng lượng nhập khẩu sau đó giảm dần và Việt Nam chưa nhận được đơn hàng nào từ quốc gia này trong 3 tháng đầu năm nay.
Sản lượng gạo Indonesia năm 2017 dự báo sẽ tăng 2,6% lên 37,15 triệu tấn “do diện tích lúa tăng”, báo cáo của tùy viên USDA ở Indonesia công bố ngày 30/3 cho biết.
Diện tích lúa Indonesia năm nay dự kiến tăng lên 12,24 triệu ha, cao hơn 1,2% so với năm 2016. Sau khi bị El Nino năm 2016, thời tiết ở Indonesia từ đầu năm tới nay rất tốt.
Sử dụng những giống lúa chất lượng cao, sản lượng của Indonesia năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 37,4 triệu tấn, nhờ đó lượng nhập khẩu năm 2018 cũng sẽ không thay đổi so với năm nay. -Retailnews.asia
Công ty Nhật mở chuỗi cửa hàng bán gạo ở Trung Quốc
Tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu bán gạo trực tiếp ở Trung Quốc từ tài khóa này, với mục tiêu giảm bớt khâu trung gian để bán gạo trực tiếp cho tầng lớp trung lưu ở thị trường Trung Quốc, với chiến lược hạ giá thành sản phẩm để chinh phục thị trường tiềm năng.
Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia, Zen-Noh, ban đầu sẽ mở cửa hàng ở một thành phố của Trung Quốc để bán các sả phẩm như gạo xay, gạo hữu cơ… sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều điểm bán hàng ở những địa phương khác. Đơn vị này đang đàm phán thành lập liên doanh với một công ty Nhật để thực hiện mục tiêu này. Zen-Noh là nhà xuất khẩu gạo duy nhất của Nhật Bản sang Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ gạo gấp 20 lần Nhật Bản và nhập khẩu 5 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu từ các nước Thái Lan và Việt Nam. Nhật Bản chỉ xuất khẩu 375 tấn gạo sang Trung Quốc trong năm vừa qua, trị giá 160 triệu yen (1,45 triệu USD). Lý do không chỉ ở những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm của Nhật Bản mà còn bởi giá gạo Nhật tại Trung Quốc hiện còn rất cao.–Nikkei
Nguồn: VITIC

Nguồn: Vinanet