Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 395 USD/tấn so với 400 cách đây một tuần.
"Chúng tôi lo ngại về động thái áp các điều kiện khắt khe hơn đối với nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất", Reuters dẫn lời một thương nhân tại TP HCM cho biết, và thêm rằng: "Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm tới".
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 39,1% trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm trước.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 385 - 393 USD (FOB) so với 390 - 393 USD cách đây một tuần do nhu cầu ảm đạm. Thị trường dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng vì sắp Tết dương lịch.
"Có thông tin cho biết một số quốc gia láng giềng như Philippines vẫn muốn nhập khẩu thêm gạo, nhưng lúc này chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thamgia vào giao dịch nào ", Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết.
Nguồn cung đang tăng dần theo tiến độ thu hoạch (tháng 12 - tháng 1) có thể khiến giá gạo tiếp tục giảm, một thương nhân khác cho biết.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Ấn Độ vững ở mức 364 - 368 USD/tấn. "Chúng tôi đã giảm giá trong vài tuần qua sau khi quyết định trợ cấp được công bố, nhưng nhu cầu vẫn còn yếu", Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại Kakinada, miền nam bang Andhra Pradesh cho biết, đồng thời thêm rằng không thể giảm giá hơn nữa vì khi giá thóc thu mua tại địa phương vẫn ổn định ở mức cao.
Tháng trước, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ trợ cấp 5% cho xuất khẩu gạo non-basmati trong 4 tháng tính đến ngày 25/3/2019.
Tại Bangladesh, vụ mùa Aman (giao vào mùa hè và gặp vào mùa đông) có khả năng đạt sả lượng 14 triệu tấn so với mức 13,5 triệu tấn của năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi, theo ông Mohammad Mohsin, Tổng cục trưởng Cục Khuyến nông.
Aman, vụ mùa lớn thứ hai sau vụ hè Boro, chiếm khoảng 38% tổng sản lượng của Bangladesh, khoảng 35 triệu tấn.
Quốc gia Nam Á, nổi lên là nhà nhập khẩu lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng, đã áp thuế 28% để hỗ trợ nông dân khi sản xuất tại địa phương hồi sinh trong năm nay.
Tại Philippines, tính đến tuần đầu tiên của tháng 12, giá gạo xát thường và xát kỹ trung bình lần lượt giảm còn 42,17 pesp và 45,73 peso/kg. Tuy nhiên, so với mức giá một năm trước, lần lượt đạt 38,06 peso và 42,24 peso/kg, giá gạo hiện tại vẫn cao hơn lần lượt 10,8% và 8,74%.
Giá gạo vẫn cao hơn mức giá bán lẻ quy định (là 39 peso đối với gạo xát thường và 44 peso/kg với gạo xát kỹ).
Mặc dù giá gạo vẫn tiếp tục giảm, nhưng rất khó để dự đoán liệu giá có trở lại mức được ghi nhận trong một năm trước hay không.
Ông Bruce Tolentino, thành viên của cơ quan quản lí tiền tệ và nguyên giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu gạo quốc tê cho biết, có rất nhiều vấn đề cần được xem xét. "Câu trả lời nằm ở tác động của tỉ lệ lạm phát dự kiến trong năm 2019 và 2020 đối với giá gạo".
Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) dự báo tỉ lệ phạm phát của quốc gia này trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 3,18% và 3,04%
Một số thông tin lúa gạo khác
Philippines sẽ ngừng bán gạo trợ cấp nếu dự thảo thuế gạo được thông qua
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ ngừng bán gạo được trợ cấp giá nếu Tổng thống Rodrigo Duterte thông qua dự thảo loại bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, theo một nguồn tin thông thạo về vấn đề cho biết hôm 19/12/2018.
Theo qui định hiện hành, NFA được giao nhiệm vụ ổn định giá gạo bằng cách thu mua từ người nông dân và bán với giá 27 peso và 32 peso, rẻ hơn so với gạo thương mại.
Dự thảo Luật thuế gạo, được quốc hội Philippines thông qua vào tháng 11 năm ngoái, sẽ loại bỏ quyền lực của NFA trong việc nhập khẩu và phân bổ gạo giá, theo ABS-CBN News.
Theo đó, qui định mới sẽ buộc NFA từ bỏ các nhiệm vụ chính là thu mua gạo từ người dân để đảm bảo lượng lương thực dự trữ phòng thiên tai và trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, Luật thuế gạo, nếu được thông qua, sẽ cho phép nhập khẩu gạo liên tục, giúp tăng nguồn cung và hạ nhiệt giá gạo.
Kho dự trữ của NFA còn lại 16 triệu bao gạo, có thể dùng trong 250 ngày.
Một phát biểu mới đây của thượng nghị sĩ Cynthia Villar cho biết, ông Rodrigo Duterte được dự báo kí Luật thuế gạo trong tháng 12.
Nhiều yếu tố làm xuất khẩu gạo của Campuchia sụt giảm
Vietnamexport dẫn báo cáo của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho biết, nước này đã gieo trồng lúa vụ mùa mưa năm 2018 được 2.728.079 ha, đạt 104,52 % so với kế hoạch (kế hoạch là 2.513.895 ha) diện tích gieo trồng được sử dụng cày bừa bằng phương tiện cơ giới hóa đạt 96,42 % và bằng trâu, bò đạt 3,58 %.
Về xuất khẩu gạo, tháng 11/2018 Campuchia xuất khẩu được 62.433 tấn, giảm 10,9 % và giảm 7.689 tấn so với tháng 11 năm 2017. Tính chung cả 11 tháng đầu năm 2018 Campuchia xuất khẩu được 497.240 tấn, giảm 11,6 % so với cùng kỳ năm trước.
(Năm 2018: tháng 1/2018 XK được 62.623 tấn; tháng 2 được 47.809 tấn; tháng 3 được 50.683 tấn, tháng 4 được 36.239 tấn, tháng 5 được 42.865 tấn, tháng 6 được 31.318 ; tháng 7 được 25.543 tấn; tháng 8 XK được 44.558 tấn; tháng 9 XK được 47.626 tấn, tháng 10 XK được 45.543 tấn, tháng 11 được 62.433 tấn )
TTXVN dẫn lờiPhó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Campuchia (CRF), ông Hun Lak cho biết có nhiều yếu tố làm cho xuất khẩu gạo của Campuchia bị suy giảm.
Đó là chi phí sản xuất cao cùng với thiếu hụt ngân sách để thu mua thóc gạo dự trữ để chế biến. Trong khi đó các nhà máy xay sát tại Campuchia thường xuyên không có đủ nguyên liệu đầu vào.
Ông Hun Lak giải thích: “Thương nhân từ nước láng giềng đến thu mua gạo (chưa qua chế biến) trực tiếp của nông dân. Người nông dân lại thích bán gạo cho thương nhân do muốn quay vòng vốn nhanh. Chúng tôi cần một cơ chế nghiêm ngặt, chúng tôi cần hợp tác với cổ đông để ổn định hoạt động xuất khẩu gạo của các nhà máy xay sát”.
Chừng 78 doanh nghiệp đã góp sức cho hoạt động xuất khẩu gạo của Campuchia sang 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc vẫn là nước mua gạo nhiều hàng đầu của Campuchia. Tiếp theo là Pháp, Hà Lan, Ba Lan và Vương quốc Anh.
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, quốc gia Đông Nam Á này đã sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn thóc trong năm 2017, tăng 5,7% so với năm trước đó.
Sản lượng gạo Thái Lan tăng dù nhiều diện tích trồng lúa bị chuyển đổi
Vietnamexport đưa tin, mặc dù nhiều diện tích trồng lúa tại Thái Lan đã chuyển sang trồng ngô nhưng sản lượng gạo Thái Lan năm 2018-2019 vẫn cao hơn 2% so với mùa vụ trước.
Ước tính, sản lượng gạo của Thái Lan đạt 20.7 triệu tấn do diện tích lúa trái vụ tăng ở khu vực phía bắc và trung tâm đã bù đắp cho phần diện tích trồng lúa giảm ở khu vực đông bắc.
Lượng gạo xuất khẩu năm 2018 dự kiến đạt 10.8 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2017 do giảm lượng gạo thơm và gạo đồ, nhưng xuất khẩu gạo trắng lại tăng.
Trong khi đó sản lượng ngô của Thái Lan dự kiến đạt 5.3 triệu tấn, tăng 6% so với mùa vụ năm 2017-2018 nhờ diện tích trồng ngô trái vụ tăng. Bên cạnh đó, mức giá hấp dẫn và hỗ trợ từ Chính phủ đang thúc đẩy các đồn điền gia tăng trồng ngô. Diện tích trồng ngô trái vụ cao hơn dự kiến trước đây, đặc biệt là ở khu vực đông bắc chủ yếu do nguồn cung cấp nước hạn chế cho canh tác lúa trái vụ 2018-2019.
Trong tuần đầu tháng 12, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng khoảng 1% so với tuần trước do đồng baht của Thái tăng giá và các đơn hàng mới từ Trung Quốc và Philippines.
Được biết chính phủ Philippines đã quyết định mua 224,000 tấn gạo trắng loại 25%, bao gồm 144.000 tấn ở mức giá khoảng 370USD/tấn (FOB) cho đợt mở thầu ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Philippines cho 500.000 tấn và 80.000 tấn với giá khoảng 385 USD/tấn (FOB) cho đợt đấu thầu ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Philippines cho 203.000 tấn.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 100.000 tấn gạo loại 5% tấm. Đây sẽ là chuyến hàng thứ bảy của đơn hàng một triệu tấn gạo theo Hợp đồng chính phủ Thái-Trung được ký vào tháng 12 năm 2015. Các lô hàng thực tế sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019.