Tại tỉnh Lâm Đồng, tuy mới vào mùa thu hoạch bơ, nhưng trái bơ tại đây đang được mùa được giá. So với cùng vụ mùa năm ngoái, thời điểm này giá bơ đã cao hơn từ 10 - 20%.

Hiện bơ sáp loại 1 thương lái thu mua tại vườn dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, bơ hạt 30.000 - 45.000 đồng/kg, bơ booth 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Cá biệt, loại bơ 034 (một giống bơ đặc sản của Lâm Đồng) được thương lái thu mua với giá rất cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng do chỉ mới vào đầu vụ thu hoạch.
Theo một số nhà vườn, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, có mưa sớm nên cây bơ phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt thời điểm này chuẩn bị vào mùa cao điểm du lịch hè, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn nên đã đẩy giá bơ lên cao.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 2.000 ha bơ các loại. Diện tích cây bơ chủ yếu được trồng xen với vườn cà phê, tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc, theo thống kê.
Hiện nay, nhiều địa phương cũng hình thành những vườn chuyên canh bơ 034, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và đang là hướng đi mới của người nông dân trong vùng.
Ngược lại, những ngày qua nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bước vào thu hoạch dưa hấu chính vụ, nhưng người dân ở đây rất lo lắng bởi thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Theo các hộ trồng dưa nơi đây, nhà nào thu hoạch sớm bán được giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg và được thương lái săn đón thu mua tận vườn, nhưng số hộ bán được giá như vậy không nhiều. Giá dưa lại biến động theo từng ngày khiến người trồng rất hoang mang.
Một hộ nông dân trồng dưa cho biết, năm ngoái bình quân dưa hấu thu mua tại vườn 4.000 – 5.000 đồng/kg nay chỉ từ 1.500 – 3.500 đồng/kg.
Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết trên địa bàn có hơn 95% diện tích đã được thu hoạch, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha. Thị trường đầu ra của dưa hấu ở đây chủ yếu được các thương lái mua xuất bán ra các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, còn thị trường nội tỉnh rất ít. Đầu vụ một số hộ bán giá khá cao từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, nhưng càng về cuối vụ giá bán xuống quá thấp, chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/kg.
Trước tình trạng nông sản được mùa mất giá, cung vượt quá cầu đã liên tục diễn ra trong nhiều năm qua, theo các chuyên gia cần có những giải pháp căn cơ như phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, hợp tác xã, nông dân, để tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, kêu gọi đầu tư trực tiếp vào các hợp tác xã nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, người nông dân cũng nên dựa vào hình hình thực tế của địa phương để phát triển cây trồng phù hợp, tránh tình trạng trồng ồ ạt, tự do, thiếu quy hoạch sản xuất. Đồng thời, cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, thay đổi phương thức sản xuất; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại trên cơ sở tăng năng suất, giảm chi phí trong sản xuất.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Bnews.vn

Nguồn: Vinanet