Khi mở cửa hàng thịt nướng tại Thụy Sĩ, nhiều doanh nhân nước ngoài có thể bị sốc khi đứng trước quầy thịt trong siêu thị ở nước này. Thịt tại Thụy Sĩ có giá vô cùng đắt, đặc biệt nếu đem ra so sánh với quốc gia láng giềng Đức. Một xiên thịt 150gr tại Thuỵ Sĩ có giá ít nhất 6 francs (6,5 USD). Với giá thịt đắt đỏ như vậy, người tiêu dùng có thể phải thay đổi thực đơn và chuyển sang nướng khoai tây và rau.
Trên thực tế, giá thịt ở Thụy Sĩ đắt hơn gần 1,5 lần so với mức trung bình toàn cầu. Theo một nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường thực phẩm Caterwings, Thuỵ Sĩ là nơi có giá thịt đắt nhất thế giới. Còn theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Châu Âu Eurostat, giá thịt ở quốc gia này đắt gấp 2,3 lần so với trung bình tại châu Âu.
Tại thời điểm lấy mẫu ngẫu nhiên vào mùa hè năm nay, một kg giăm-bông được làm từ thịt lợn chăn nuôi theo phương thức thông thường ở Thụy Sĩ có giá trung bình là 23 franc (25,2 USD), trong khi đó 1 kg giăm-bông hữu cơ là 51 franc (55,9 USD) - gần gấp đôi.
Giá thịt cao không chỉ có nguyên nhân từ mức sống đắt đỏ, gấp 1,6 lần so với trung bình tại châu Âu, ở quốc gia này mà người tiêu dùng Thuỵ Sĩ phải trả thêm tiền để mua thịt bởi một vài lý do riêng.
Đạo luật Phúc lợi Động vật của Thụy Sĩ được xem là một trong những đạo luật nghiêm ngặt nhất thế giới. Ví dụ, tại nước này, việc thiến lợn con mà không gây mê bị cấm từ năm 2010 và việc nhốt gà đẻ trong lồng pin bị cấm từ năm 1992. Luật pháp Thụy Sĩ cũng yêu cầu các trang trại phải có không gian ít nhất 0,9 m cho lợn. Trong khi đó, quy định này của EU là 0,65 m.
"Thụy Sĩ đi trước các nước khác khoảng 20 năm trong vấn đề phúc lợi động vật”, Cesare Sciarra, Giám đốc điều hành Trung tâm Năng lực về Động vật Trang trại STS, cho biết.
Theo nhà kinh tế học Mathias Binswanger, việc không là thành viên của EU giúp Thụy Sĩ có thể áp dụng chính sách nông nghiệp riêng. Pháp luật nước này quy định số lượng bò, gà hoặc lợn tối đa mà một trang trại có thể nuôi. Ví dụ, số lượng gà mái tối đa là 18.000 con. Trong khi đó, tại Đức, các trang trại thường nuôi trung bình 30.000 gà mái, một số thậm chí nuôi tới 60.000 con. Do đó, các trang trại ở Thụy Sĩ được duy trì có chủ đích ở quy mô nhỏ - điều có lợi cho động vật. Trung bình, một trang tại ở Thụy Sĩ có diện tích 20 hecta, so với hơn 60 hecta ở Đức.
Mô hình trang trại nhỏ của Thụy Sĩ thành công do nước này cung cấp 80% nhu cầu thị nội địa, chỉ nhập khẩu 20%. Trong khi đó, Đức và nhiều nước châu Âu khác như Hà Lan, sản xuất thừa thịt để xuất khẩu.
Ngoài ra, bất kỳ cá nhân vào nhập cảnh vào Thụy Sĩ chỉ có thể mang vào tối đa một kg thịt hoặc sản phẩm thịt. Số lượng vượt mức đó sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao.

Thụy Sĩ có đạo luật về phúc lợi động vật nghiêm ngặt nhất thế giới. Ảnh: Deutsche Welle.

Với mỗi kg thịt bán sản xuất, nông dân Thụy Sĩ kiếm được gấp đôi so với ở nước ngoài. Nguyên nhân nằm ở chỗ Thụy Sĩ là thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA), nhưng không thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA). Nhờ đó, nước này có thể dễ dàng cô lập chính mình khỏi thị trường nội địa Liên minh châu Âu (EU) và bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi cạnh tranh của nước ngoài.
"Thụy Sĩ không bị ngập trong thịt giá rẻ từ Đức. Đây là lợi thế lớn cho nông dân nước này", Martin Rufer, giám đốc Hiệp hội Nông dân Thụy Sĩ, cho biết.
Một điều quan trọng là người dân Thụy Sĩ tin rằng thực phẩm tốt có giá của nó.
"Thịt rẻ, như những loại được bán trong nhiều siêu thị của Đức, hầu như không thể bán ở Thụy Sĩ", Tilman Slembeck, nhà kinh tế tiêu dùng tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich, cho biết. “Khi người Thụy Sĩ nhìn thấy thịt giá rẻ như vậy, họ mặc nhiên cho rằng đó không thể là loại thịt tốt".
Người dân Thụy Sĩ muốn ăn loại thịt chất lượng, kể cả khi phải trả giá đắt hơn. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để ngành công nghiệp thịt nước này luôn duy trì chất lượng cao và tất nhiên cả mức giá cao. 

Nguồn: Lê Giang / Người đồng hành (Theo Deutsche Welle)