Theo số liệu Hải quan Việt Nam, trong tháng 4/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường đạt gần 143 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 2 liên tiếp giảm. Trong 5 thị trường lớn gồm Trung Quốc và Hồng Kông; EU; Mỹ; Asean; Mexico ghi nhận giá trị xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Hồng Kông; Mỹ có sự sụt giảm mạnh lần lượt 14% và 54,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đi các thị trường đạt 615,2 triệu USD, tăng 0,6% so với 4 tháng đầu 2018 và giá trị xuất khẩu vào Trung Quốc và Hồng Kông; Mỹ giảm lần lượt 5,7% và 21,1%. 3 thị trường lớn còn lại gồm EU, Asean, Mexico đều tăng trưởng khá tốt, lần lượt 33,1%; 16% và 31,5%.
Báo cáo của CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV) đánh giá, Trung Quốc mở rộng tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 4 giảm 14% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu từ việc giảm giá bán. Mới đây Vasep thông báo, Trung Quốc sẽ miễn thuế cho các sản phẩm cá tra Việt Nam xuất vào nước này. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc do giá cá tra sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với các loại cá khác ở thị trường này.
Đối với thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam, hình ảnh của cá tra Việt Nam tại thị trường này đã dần được cải thiện sau đợt khủng hoảng vừa qua. Giá ca tra giảm đã giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trở lại. Navico đánh giá lượng sản phẩm cá tra nhập khẩu vào thị trường EU sẽ vẫn tăng trưởng tốt nhờ mức giá cạnh tranh.
Đối với thị trường Asean, trong tháng 4 kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này tăng 9,4% được các nhà xuất khẩu đánh giá chủ yếu do hiệu ứng nhu cầu – giá bán. Việc giảm giá cá tra đã giúp kích thích lượng cầu tại thị trường này. Thị trường Asean khá nhạy cảm với sự thay đổi giá cá tra và họ sẽ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn sản phẩm cá tra giá mức giá hiện tại khá hấp dẫn.
Đối với thị trường Mỹ, trong tháng 4 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh 54,7% chủ yếu do các nhà nhập khẩu tại Mỹ đã nhập lượng hàng lớn sản phẩm cá tra vào cuối năm 2018 ở mức giá cao nên cần thời gian để bán hàng trong kho.
Hơn nữa, việc giá cá tra liên tục giảm dẫn đến tâm lý chờ đợi của các nhà nhập khẩu và hạn chế nhập hàng tại thời điểm này; các bên đều chờ đợi kết quả mức thuế chống bán phá giá cuối cùng từ DOC. Tuy nhiên, dự kiến thị trường Mỹ sẽ khôi phục trong một vài tháng tới khi hàng tồn kho giảm dần và thị trường này trở về quỹ đạo bình thường sau khi POR14 được công bố.
Đối với nhóm doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra niêm yết trên các sàn Chứng khoán, 4 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn (mã VHC) tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu hơn 79,6 triệu USD, tiếp theo sau là Navico (mã ANV) với giá trị xuất khẩu hơn 39,4 triệu USD, IDI (mã IDI) hơn 38,7 triệu USD, Thủy sản Biển Đông với gần 35,7 triệu USD.
Thứ hạng của các doanh nghiệp có sự thay đổi khi Thủy sản Biển Đông bị tụt hạng, nhường vị trí cho ANV và IDI và Vĩnh Hoàn dù là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất, vẫn tụt xuống hạng thứ 2, nhường vị trí dẫn đầu ngành thủy sản cho Minh Phú (4 tháng đầu 2018 Vĩnh Hoàn dẫn đầu bảng xếp hạng). Ngoài ra, thứ hạng của ACL và Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) cũng sụt giảm mạnh với ACL ở vị trí 39 và HVG ở vị trí 57 trong bảng xếp hạng toàn ngành.
Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn giảm 14,5%; Thủy sản Biển Đông giảm 9,2%; ACL giảm 8,6%; HVG giảm 47,8%; IDI tăng 7,6% và Navico tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: bizlive.vn