VASEP cho rằng dù có những khó khăn nhất định song nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục sau dịch.
Xuất khẩu cá tra vẫn chưa hết khó
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 7 giảm nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, đạt quanh mức 17.500-17.800 đồng/kg đối với cá tra loại I (700- 900g/con).
Mức giá này thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất 20.000 - 21.000 đồng/kg, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP).
Trước đó, trong quí I/2020, giá cá tra nguyên liệu đã rơi xuống mức 19.000 – 21.000 đồng/kg. Ở mức giá này, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều mệt mỏi.
Bước sang quí II/2020, giá cá nguyên liệu lại tiếp tục giảm thêm, tới tháng 6/2020, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 17.200 – 19.000 đ/kg đối với loại 700-800 g/con, giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019.

Xuất khẩu cá tra sẽ vực dậy trở lại sau dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Nhu cầu bắt cá nguyên liệu ngoài của các công ty hiện vẫn yếu. Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
Tiến độ thả nuôi cá thịt hiện đang chững, các hộ nuôi sau khi thu hoạch cá thịt tạm thời treo ao chờ tín hiệu mới từ thị trường rồi mới cân nhắc việc bắt giống thả lại.
Đối với các ao đã thả giống, hộ nuôi e ngại mức giá cá thịt thấp, do đó đang tạm cắt thức ăn, chờ tín hiệu của thị trường.
Bộ NN&PNT cho biết nhìn chung, giá cá giống mẫu 30 con/kg ổn định quanh mức 14.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo số liệu từ VASEP, chi phí sản xuất cá tra giống khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Theo Tổng Cục Thủy sản sản lượng cá tra đến hết tháng 6 ước đạt 587,3 nghìn tấn, bằng 86,5% so với cùng kì, đạt 36% kế hoạch năm 2020.
Trong đó, diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tập trung ở 5 tỉnh trọng điểm là: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.
Theo Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút do tác động kép của đại dịch COVID-19 và xâm nhập mặn kéo dài.
Trong khi đó, sản lượng cá tra năm 2019 đạt mức 1,42 triệu tấn dẫn đến nguồn cung dư thừa, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.
Cơ hội cho xuất khẩu cá tra phục hồi
Xuất khẩu cá tra trong tháng 7 ước đạt 121 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên 838 triệu USD, giảm 26% so với cùng kì năm 2019.
Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu cá tra trong thời gian tới sẽ tăng do thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài thì thị trường vẫn cần. VASEP cho rằng dù có những khó khăn nhất định song nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục sau dịch.
Thực tế, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi do đó nhiều doanh nghiệp đang tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và thị trường này được xem là thị trường quan trọng tạo sức bật phục hồi xuất khẩu cá tra.
Bên cạnh đó, EU sẽ bắt đầu mở lại từng phần, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Ở các thị trường khác như ASEAN, Nhật Bản, Nga… các doanh nghiệp nên có hướng tiếp cận phù hợp.
Theo nhận định của VASEP, với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn, như: Mỹ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra quí II/2020 vẫn giảm.
Bên cạnh đó, thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay do tác động từ biến động của thị trường thế giới. Cho tới thời điểm này, COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.
Nếu quí II/2020, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi.

Nguồn: Vietnambiz/Kinh tế & tiêu dùng