Dự báo, cả năm 2020, XK toàn ngành sẽ đạt trên 12 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung toàn ngành nông, lâm, thủy sản.
Trị giá xuất khẩu tăng hơn 10%
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 8, trị giá XK lâm sản đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9 % trị giá XK của ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6%; lâm sản ngoài gỗ đạt 511 triệu USD, tăng 21,6%. 8 tháng năm 2020, thị trường XK gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng trị giá XK 7 tỷ USD, chiếm 89,5% trị giá XK lâm sản của Việt Nam.
8 tháng năm 2020, trị giá NK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,52 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường NK chủ yếu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Pháp, Chi Lê, với tổng trị giá NK 826,9 triệu USD, chiếm 54,4% tổng trị giá NK lâm sản của Việt Nam.
Thời gian tới, ngành chế biến, XK lâm sản của Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Điển hình là tác động của bệnh dịch Covid -19 theo dự báo còn kéo dài sang năm 2021 sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia lớn và của thế giới. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa chấm dứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, dự báo tăng trưởng thấp hơn; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại các quốc gia phát triển. Ngoài ra, sự gia tăng các dự án FDI chế biến gỗ vào Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiềm ẩn rủi ro về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
“Đặc biệt, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng trong bối cảnh thuế NK gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với từ Trung Quốc XK sang Mỹ. Nguy cơ các DN bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng”, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề cập tới khía cạnh thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ tại một số thị trường châu Âu thay đổi từ sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và các vật liệu thân thiện với môi trường. Cùng với đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng dẫn đến thua thiệt cho ngành công nghiệp chế biến gỗ XK.
Tự tin “về đích” trên 12 tỷ USD
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ông Nghĩa phân tích cơ hội mở ra cho ngành chế biến, XK gỗ cũng không hề nhỏ. Cụ thể, về tổng thể, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn (khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ). Hiện nay, kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh các thị trường truyền thống có trị giá XK cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, ngành gỗ Việt cũng có một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ…
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng XK có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có trị giá XK lớn nhất trong các nhóm hàng XK gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Ở góc độ DN, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch XK không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số. Ngày càng có nhiều DN tham gia các khâu của chuỗi cung và một đội ngũ đông đảo các DN tham gia XK và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường XK, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, về XK năm nay ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế. Tuy vậy, bất chấp khó khăn, nhờ sự nỗ lực cao cả từ phía DN và cơ quan quản lý nhà nước, XK gỗ cả năm tự tin đạt trên 12 tỷ USD, có thể phần nào bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác.
“Toàn ngành cần tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục. Làm được như vậy mới mong duy trì được đà tăng trưởng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Cũng khẳng định trị giá XK năm nay sẽ vượt 12 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thậm chí còn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về XK gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản. Chúng ta hình thành được hệ thống DN cả trong nước và DN FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp. Cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam XK gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 XK đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa”.

Nguồn: Haiquanonline