Tuy tăng trưởng tốt nhưng ngành rau quả còn ẩn chứa nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, và để ngành rau quả không phụ thuộc nhiều vào một thị trường, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước.
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 10 -15%
Trong năm 2017, ngành rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD. Năm 2018, ngành này đặt mục tiêu cố gắng đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 10 đến 15% so với năm ngoái; như vậy, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018 của toàn ngành phải đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả đã đạt khoảng 2,29 tỷ USD, vẫn còn trên dưới 1,7 tỷ USD cho 5 tháng cuối năm để các doanh nghiệp rau quả tăng tốc.
Tuy nhiên, một chuyên gia cảnh báo, xuất khẩu rau quả trong các tháng cuối năm có thể có khó khăn một chút, do thời gian này Việt Nam rơi vào mùa mưa, các tháng 7, 8 và 9 là những tháng mưa dầm nên sản lượng rau, củ, quả của Việt Nam nói chung đều giảm, và hầu như không có vụ thu hoạch nào trong thời gian này.
Vậy nên, xuất khẩu trong các tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu, và đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2018, bình quân kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 340 triệu USD/tháng, nhưng trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 290 triệu USD, sự sụt giảm này đã cho thấy nhận định trên là có cơ sở và nếu sụt giảm tiếp tục kéo dài hết quý III/2018 là khó đạt mục tiêu.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với tỷ trọng chiếm tới 74,6%, đứng vị trí thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 3,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cần tận dụng tốt các FTA
Luôn là thị trường dẫn đầu nhập khẩu nông sản Việt Nam, vì Trung Quốc có lợi thế về vị trí địa lý, nhu cầu tiêu thụ, tập quán và thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, và trong số kim ngạch 2 tỷ USD xuất khẩu rau quả của 6 tháng đầu năm 2018, có đến 74,6% được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc.
Việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ khiến cho ngành hàng rau quả bị động mỗi khi thị trường này có biến động, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm và có thể họ sẽ phải điều chỉnh chính sách nhập khẩu.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam và khi đó không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường xuất khẩu cũng phải cạnh tranh khốc liệt hơn khi cả 2 đại cường Mỹ - Trung tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của họ có thể giảm xuống trong những tháng cuối năm 2018.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới. Do vậy, để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, các doanh nghiệp rau quả cần tận dụng tốt các FTA vì đấy chính là lợi thế của chúng ta.
Và thông qua hiệp định thương mại tự do đầu tiên với khối liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) mà Việt Nam đã ký, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở cửa thị trường Nga và hiện nay Nga đã có tên trong top 10 nước nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam.
Nga được cho là thị trường tiềm năng rất lớn đối với ngành hàng rau quả, vì Nga là nước thuộc khu vực khí hậu ôn đới và hàn đới không có khả năng phát triển và canh tác rau quả nhiệt đới, nên phải nhập khẩu khối lượng lớn rau củ quả tươi, đông lạnh, trong đó nhiều loại phải nhập khẩu đến 100%.
Việt Nam là đối tác của VN-EAEU FTA nên cơ hội đối với doanh nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó, 59,3% được xóa bỏ ngay khi VN-EAEU FTA hiệu lực nên đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường Nga.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế, 3 tháng đầu năm 2018 trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Nga đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nga tăng mạnh nhập khẩu hàng rau hoa quả từ các thị trường, như: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hà Lan và Việt Nam...
Đáng chú ý, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp nhưng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với các nguồn cung lớn; thị phần nhập khẩu từ Việt Nam còn quá thấp trong tổng nhập khẩu hàng rau quả của Nga. Do vậy, vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Nguồn: VnEconomy