Xuất khẩu đang hồi phục

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, những tháng cuối năm là mùa tiêu thụ thủy sản nói chung và tôm nói riêng của thị trường nhập khẩu, cho nên, nhu cầu thường sẽ tốt hơn so với các thời điểm khác trong năm. "Thông thường năm nào cũng vậy, nhu cầu tôm những tháng cuối năm lúc nào cũng tốt vì đó là mùa tiêu thụ chính của năm mà" - ông nói.

Xuất khẩu tôm phục hồi, nhưng không nên thả nuôi trong mùa dịch.

Ngoài yếu tố "là mùa tiêu thụ chính", thì căn cứ vào số liệu thống kê tình hình xuất khẩu tôm của VASEP cũng cho thấy xu hướng xuất khẩu loại thủy sản này đã bắt đầu phục hồi kể từ tháng 9-2018.

Theo đó, kể từ đầu quý II đến tháng 8-2018, xuất khẩu tôm vẫn trong xu hướng sụt giảm về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong tháng 7-2018, xuất khẩu tôm giảm 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh. Xu hướng sụt giảm này tiếp tục duy trì sang tháng 8-2018, với giá trị xuất khẩu giảm gần 14% so với cùng kỳ, nhưng mức độ sụt giảm đã được rút ngắn hơn so với tháng trước đó (14% so với 20,3%). Sự sụt giảm trong những tháng gần đây đã khiến xuất khẩu tôm của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt gần 2,3 tỉ đô-la Mỹ, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với đà phục hồi từ tháng 9-2018 cộng nhu cầu những tháng cuối năm tăng mạnh, ông Hòe dự báo, ba tháng cuối năm 2018 (từ tháng 10 đến tháng 12), kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ đạt mức 1,3 tỉ đô-la Mỹ, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2018 đạt xấp xỉ 4 tỉ đô-la Mỹ, bằng mục tiêu dự báo được đưa ra hồi đầu năm. "Chín tháng chúng ta xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỉ đô rồi, thì với dự kiến năm nay đạt xấp xỉ 4 tỉ đô, tức còn lại khoảng 1,3 tỉ đô nữa, trên cơ sở cuối năm có nhu cầu cao và giá trong tháng 10 đã nhích lên, tôi cho rằng mục tiêu đấy sẽ ổn thôi" - ông Hòe cho biết.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cũng đưa ra nhận định, tình hình cung cầu xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm sẽ không có đột biến. "Cung cầu từ nay đến cuối năm, dưới góc độ doanh nghiệp tôi thấy cũng bình thường, sẽ không có gì đột biến cả".

Cần thận trọng

Hiện thị trường đang diễn biến rất nhanh theo chiều hướng có lợi cho ngành tôm. Cụ thể, ngày 10-9-2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo mức thuế chống bán phá giá tôm trong kỳ xem xét hành chính lần 12 (POR12), giai đoạn 1-2-2016 đến 31-1-2017 với mức thuế giảm xuống chỉ còn 4,58%; thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao; thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển hướng tích cực từ tháng 7-2018; giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao; thời tiết thuận lợi…, là những yếu tố giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký Văn bản số 7951/BNN-TCTS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ với nội dung tăng cường nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm 2018.

Theo Bộ NN&PTNT, nhằm tận dụng cơ hội thị trường, góp phần tăng trưởng ngành, tránh bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cho nên, Bộ yêu cầu các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng. Bên cạnh, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu kiểm tra giám sát chặt tình hình dịch bệnh, quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào...

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Võ Hồng Ngoãn, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, người được mệnh danh là "vua tôm" cho rằng, từ tháng 10 đến cuối năm là thời điểm các cơ quan quản lý chuyên ngành thường khuyến cáo người dân không thả nuôi tôm. Bởi, đây là vụ nghịch, thời tiết không ổn định, rủi ro xảy ra dịch bệnh rất cao.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cũng cho rằng, thời tiết trong những tháng cuối năm thường không ổn định, lạnh xuất hiện, cho nên, rất bất lợi để thả nuôi tôm. "Tôi nghĩ không nên thả nuôi ồ ạt vào thời điểm này vì tỷ lệ xảy ra dịch bệnh rất cao" - ông Võ Quan Huy cho biết.

Theo khuyến cáo của ông Ngoãn, trong trường hợp nông dân có thả nuôi tôm vào thời điểm này, thì chỉ nên thả với mật độ thưa, từ 40 con/m2 trở xuống để hạn chế rủi ro xảy ra dịch bệnh. "Thả mật độ thấp, nhưng nuôi size 30 con/kg mới xuất bán, thì mỗi tấn thu hoạch có thể đạt lợi nhuận bằng 3-4 tấn tôm size nhỏ, 80-90 con/kg", ông cho biết.

Nguồn: Baocantho.com.vn