Không những thế, ông còn chế tạo được món rượu vang cacao độc đáo, uống một lần nhớ mãi.
Lão nông chế tạo máy
Không chỉ nắm các bí quyết làm ra các sản phẩm chất lượng từ hạt cacao, ông Mười Cương còn tự nghiên cứu, sáng chế ra “dây chuyền” máy móc khép kín cho quy trình này.
“Trước, tôi rang cacao bằng chảo, rồi xay bằng cối đá. Sau thấy làm vậy mất nhiều sức mà năng suất không cao, tôi tự mày mò chế tạo ra loại cối xay bột cacao chạy bằng môtơ điện rất hiệu quả; chế tạo ra giàn tách bơ cacao... Công nghệ của tôi tuy là sáng chế thủ công nhưng tới năm 1990 cũng bán được cho mấy công ty sản xuất cacao ở vài tỉnh bạn,” ông Cương kể.
Sáng chế này của ông Cương còn giành được Huy chương Bạc ở Hội chợ Giảng Võ năm 1986.
Gia đình ông có ba con, hai trai, một gái đều đã trưởng thành, nhưng họ đều làm việc khác chứ nhất định không chịu làm vườn, may chăng đến cuối tuần mới về phụ giúp cha mẹ già.
“Ngày thường tôi vẫn một mình lo chế biến cacao, tiếp đón khách du lịch… Tôi đang kiếm truyền nhân mà chưa tìm được ai. Cũng bởi, đa số thanh niên nông thôn bây giờ không thích làm vườn, mà thích lên thành phố kiếm việc làm. Chúng chẳng thà đi phụ hồ trên thành phố còn hơn ở quê làm vườn. Tụi nó nói làm vườn lâu có tiền, muốn đi làm cái gì ‘mì ăn liền’ có tiền ngay thôi,” ông Cương thở dài nói.
Tuổi đã cao mà vẫn lụi cụi một mình với khu vườn mênh mông, rồi tiếp khách du lịch, rồi chế biến các sản phẩm từ cacao…, tôi hỏi có khi nào ông cảm thấy quá tải? Ông bảo không đầy dứt khoát. Cũng bởi một nhẽ, “làm để quên đi tuổi già đang tới.”

Và ông Cương tiết lộ, bí quyết để tới tuổi 67 vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn là uống cacao hàng ngày, lâu lâu lại dùng bơ cacao thoa cho da mặt láng mịn.

Món rượu vang cacao "made in Vietnam." (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Rượu vang cacao “made in Vietnam”
Trái cacao thường ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào tháng 11, 12, mỗi cây cho khoảng 100 trái. Trái cacao có hai loại màu xanh và màu đỏ, khi chín đều ngả sang màu vàng. Vào vụ, cứ 10 ngày ông Cương đi thu hoạch trái chín một lần.
Sau bao năm tìm tòi và nghiên cứu quy trình sản xuất cacao từ các nguồn tài liệu nước ngoài, ông Cương cũng không giấu bí quyết làm chocolate thủ công của gia đình: “Bên trong mỗi trái cacao có từ 40-45 hạt, tôi tuốt hạt cho vào giỏ, lót lá chuối và ủ lên men 7 ngày. Trong quá trình ủ phát sinh nhiệt, nhiệt sẽ biến đổi các chất trong hạt cacao để sinh ra hương chocolate. Rồi tôi đem hỗn hợp này ra phơi 5 nắng cho khô, chế biến thành chocolate. Sản phẩm cacao của gia đình tôi làm thủ công có chất lượng không thua gì cacao của Tây đâu.”
Theo ông Cương, muốn làm chocolate ngon thì nhất định phải ủ lên men hạt cacao, nếu không sẽ bị chát và chua.
Với kinh nghiệm lâu năm, hiện giờ, gia đình ông Cương là đầu mối quen thuộc của những công ty nước ngoài đến từ Mỹ, Bỉ, Pháp.
Do đó, thu nhập từ chế biến cacao, trồng cây ăn trái và một phần nhỏ từ dịch vụ homestay của gia đình được khoảng 15.000 USD/năm (trong đó riêng cacao khoảng 12.000 USD).
Những thành phẩm gia đình ông đang bán ra thị trường bao gồm: cacao khô (hay còn gọi là cacao nguyên chất) dùng để làm tất cả các loại chocolate như chocolate đen, chocolate sữa, chocolate đậu phộng, chocolate dừa…; bơ cacao, dùng để làm chocolate trắng, làm mỹ phẩm vì có chứa nhiều vitamin E, nhiều collagen đẹp cho da và rất được khách Tây ưa chuộng; các loại bột cacao; hạt cacao rang; rượu vang cacao...
Lâu nay mới chỉ biết tới các loại rượu vang được làm phổ biến từ nho, nay nghe hạt cacao có thể làm rượu vang thì quả thực tò mò. Thử nhấp một ngụm thấy đầu lưỡi tê tê lan tỏa vị ngọt dịu và lạ là lại thấy có mùi thơm nhè nhẹ của mơ.
“Để làm rượu vang cacao, trong mỗi hạt thường có một lớp cơm trắng, tôi lấy mật của lớp cơm chua chua ngọt ngọt này để lên men, cách lên men như làm rượu nho. Một tháng sau mang ra đem lọc lấy nước. Rượu vang thành phẩm tôi làm nặng 12 độ, thường dùng khai vị cho khách trước bữa ăn. Loại rượu này hỗ trợ tiêu hóa rất tốt,” ông Cương tiết lộ “bí kíp.”
Nông dân làm du lịch
Năm 2012, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ) bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nhà nước lồng ghép du lịch cho người dân để phát triển kinh tế. Cùng lúc đó, Đại sứ quán Đan Mạch có chương trình hỗ trợ nông dân làm du lịch homestay và gia đình ông Cương là một trong số những hộ dân tiên phong tham gia. Từ đây, ông được tập huấn nghiệp vụ, nhận tài trợ trực tiếp điều hòa, máy xay cacao…
Khoảng 3 năm nay, mô hình du lịch homestay sinh thái cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Du khách đến ngoài ăn nghỉ, còn vừa thăm quan, tìm hiểu cách trồng cacao vừa thưởng thức các sản phẩm được chế biến thủ công của gia đình, như bột cacao, chocolate, bơ cacao, rượu vang cacao… Các dịch vụ đều do hai vợ chồng ông Cương tự đảm nhiệm chứ không thuê người làm.
Hiện tại, gia đình ông có 4 phòng nghỉ và đang lên kế hoạch chỉnh trang, mở rộng quy mô để khu du lịch rộng rãi, sạch đẹp hơn. Ông Cương phấn khởi cho biết: “Một năm trở lại đây, tôi đã đón khoảng 600 khách ngoại quốc. Khách miền Bắc đến rất đông, mỗi lần theo đoàn của các công ty lữ hành vài chục người. Đặc biệt, có rất nhiều du khách Bỉ, Pháp… đến ở homestay và thích thú với mô hình làm cacao này, nhiều người trong số đó còn học nghề.”
Là lão nông thức thời, ông Mười Cương còn tự quảng bá hình ảnh khu du lịch và các sản phẩm của gia đình qua kênh facebook và trang web riêng. Đặc biệt, ông đang hợp tác với khoảng 50 công ty lữ hành trên cả nước nhận tiếp đón khách.
Những nông dân miệt vườn với tư duy sáng tạo, làm việc không ngừng nghỉ và dành tâm huyết cả đời cho cacao như ông Mười Cương ở miền Tây quả thực hiếm có khó tìm. Với cơ nghiệp và những bí quyết nghề đang nắm giữ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng ông Mười Cương vẫn ngày đêm trăn trở và đau đáu nỗi niềm chưa tìm được truyền nhân…

Nguồn: Xuân Mai/Vietnamplus.vn

Bài 2: Lão nông chế tạo máy và làm rượu vang cacao “made in Vietnam"