I. Thế giới:
1. Sản xuất:
Trong báo cáo về tình hình thị trường cao su tháng 4/2017, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới sẽ thiếu hụt so với nhu cầu trong năm 2017. ANRPC dự báo tổng cung của thế giới trong năm 2017 là 12,77 triệu tấn, gồm 11,41 triệu tấn từ 11 nước thành viên của ASEAN và 1,36 triệu tấn từ các nước khác.
Theo ANRPC, nguồn cung cao su thiên nhiên tăng 5,7% trong năm 2016. Tuy nhiên, lượng cung này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu trong năm nay, sẽ tăng 1,8% lên 12,82 triệu tấn.
Cung thế giới (1000 tấn) Cầu thế giới (1000 tấn) Cung thiếu hụt so với cầu (1000 tấn)

Trong vài năm qua, có nhiều báo cáo về tình trạng thừa cung do việc mở rộng trồng cây cao su với quy mô lớn từ năm 2010. Trước tình hình này, ANRPC đã thực hiện việc đánh giá một cách khoa học về diện tích thu hoạch cao su, diện tích tái canh và diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác. Từ đó, ANRPC dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung, khoảng 688.000 tấn vào tháng 6/217, trước khi giảm xuống còn thiếu khoảng 46.000 tấn vào tháng 12/2017.
Tuy cung thiếu so với cầu, giá cao su vẫn thấp là do tình trạng chung của các hàng hóa, chứ không riêng cao su. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán giá hàng hóa tăng bình quân khoảng 18% trong năm 2017 so với năm 2016. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ mạnh lên làm cản trở giá cao su tăng lên và đồng đô la có thể sẽ vẫn vững trừ khi Chính phủ Mỹ can thiệp làm suy yếu đồng tiền này. 
Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2017, ANRPC sẽ cung cấp báo cáo số liệu thống kê và dự báo cung cầu cao su thiên nhiên trên toàn thế giới. Đây là một bước cải tiến đáng kể khi các báo cáo trước đây chỉ giới hạn trong phạm vi 11 nước thành viên ANRPC – chiếm 90% nguồn cung và 65% nhu cầu thế giới, bao gồm: Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Vào ngày 12/5/2017, ANRPC đã phát hành phiên bản cải tiến của báo cáo hàng tháng về “Thống kê và Xu hướng cao su thiên nhiên” trong đó cung cấp thông tin về tình hình cung cầu trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia không nằm trong ANRPC. 
Các báo cáo “Thống kê và Xu hướng cao su thiên nhiên” của ANRPC trước đây chỉ bao gồm các số liệu và dự báo của 11 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, ANRPC nhận thấy, một số cơ quan truyền thông đã nhầm lẫn số liệu này là tổng số cho toàn thế giới và thậm chí dựa trên đó để tính toán dư thừa cao su thế giới và gây nhầm lẫn cho các bên liên quan. Nhằm khắc phục vấn đề này cũng như xem xét nhu cầu của các bên tham gia trên thị trường, ANRPC đã quyết định thực hiện số liệu thống kê cung cầu cho toàn bộ thị trường thế giới trong các báo cáo kể từ tháng 4/2017 trở đi.
2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản: 
Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (TOCOM) biến động tăng tích cực trong tháng 5/2017, với chuỗi tăng liên tiếp trong nhiều phiên giao dịch nhờ được hậu thuẫn bởi giá dầu tăng, do kỳ vọng kéo dài thời gian cắt giảm nguồn cung, cũng như dự trữ cao su tại kho ngoại quan TOCOM ở mức thấp. Kết thúc phiên giao dịch 23/5, hợp đồng benchmark tháng 10/2017 thiết lập mức cao mới trong 6 tuần, đạt 233,1 yên/kg, tăng 9,8 yên so với giá đóng cửa phiên 18/5, và tăng 17,5 yên so với phiên đầu tháng 2/5 ở mức 215,6 yên/kg. 
Giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2017 đáo hạn cuối phiên 15/5, tăng 10,4 yên lên 307,8 yên/kg, trong bối cảnh lo ngại về dự trữ cao su tự nhiên tại kho ngoại quan TOCOM ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010. 
Giá cao su tăng do thị trường được hậu thuẫn từ đồng yên suy yếu so với đồng đô la Mỹ, khiến tài sản mua bằng đồng yên Nhật Bản rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Trước đó, thị trường cao su Tocom được nâng đỡ bởi giá dầu tăng cao do gia tăng niềm tin các nước xuất khẩu hàng đầu sẽ thỏa thuận gia hạn thời gian cắt giảm nguồn cung trong tuần này và dự đoán cắt giảm có thể sâu hơn, nhằm đẩy giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng. 
Dự trữ cao su tại kho ngoại quan TOCOM tính đến ngày 30/4/2017 ở mức 1.247 tấn, giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010, báo cáo dự trữ mới nhất của TOCOM.
II. Việt Nam:
1. Tình hình trong nước:
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su trong nước duy trì thế vững trong tháng 5/2017. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su ở mức 13.000 đ/kg. 
Xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc đang trong trạng thái cung vượt cầu. Nguyên nhân là từ đầu quý 2/2017, nhu cầu về mặt hàng nguyên liệu thô tại Trung Quốc tăng cao đáng kể đã thu hút các nguồn cung cấp từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong tuần từ ngày 4 – 11/5/2017, sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã chủ động điều tiết giảm xuống 20.000 tấn, so với 21.400 tấn đầu tháng. Các mặt hàng cao su của Việt Nam giảm nhiều trong giao dịch là SVR 10, SVR 20, nhưng cao su chất lượng SVR 3L vẫn thu hút khách. Các sản phẩm SVR 5, SVR L vẫn giữ mức giao dịch ổn định. Giá cao su Việt Nam xuất khẩu trong tuần này giảm nhẹ 9%, đạt khoảng 18.000 NDT/tấn đối với sản phẩm cao su chất lượng SVR 3L.
 Ngành cao su Việt Nam vừa trải qua một năm 2016 với nhiều gian nan nối tiếp trong suốt 5 năm khi giá cao su thiên nhiên giảm liên tục kể từ năm 2012. Trước những khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới phục hồi yếu và thị trường cao su tăng trưởng chậm, ngành cao su Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bằng việc tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm. Theo đó, ngành cao su đã và đang thực hiện sản xuất ba nhóm sản phẩm chính gồm: nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su để tăng cường giá trị xuất khẩu và giảm nhập siêu. 
Hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm. Trong đó, hội chợ triển lãm thương mại được đánh giá là một công cụ đắc lực, hiệu quả cao cho các doanh nghiệp Việt Nam. 
Trong năm 2017, Hiệp hội Cao su Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành cao su ở trong nước cũng như quốc tế. Cụ thể, vào ngày 13 – 15/6/2017, Hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tham dự triển lãm quốc tế chuyên ngành cao su và sản xuất săm lốp (Rubber & Tyre Vietnam 2017) tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua triển lãm này, doanh nghiệp ngành cao su có điều kiện để đánh giá, so sánh năng lực với đối thủ cạnh tranh, cũng như tìm thấy các đối tác phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng có thể trở thành đại lý nhập khẩu/phân phối cho những đối tác quốc tế.
2. Dự báo xuất nhập khẩu cao su tháng 5/2017:
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 5 năm 2017 đạt 51 nghìn tấn với giá trị đạt 100 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 353 nghìn tấn và 708 triệu USD, giảm 1,5% về khối lượng nhưng tăng 61,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2.016 USD/tấn, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 4,9% và 3,7%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này lần lượt là: 383,7 triệu USD ( 89,9%), 29,6 triệu USD (gấp gần 2,5 lần) và 22,6 triệu USD (-22,3%) so với cùng kỳ năm 2016. 
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 5/2017 đạt 42 nghìn tấn với giá trị đạt 97 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2017 lên 200 nghìn tấn và 449 triệu USD, tăng 25,1% về khối lượng và tăng 88,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2017 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 57,2% thị phần. Trong 4 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng hơn 3 lần). 
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
 2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
 3. Tin Reuters
 Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

Nguồn: Nguyễn Lan Anh/caosu.net