I. Thị trường thế giới:
Giá chè tại Bangladesh tăng tại các phiên đấu giá đầu tiên của niên vụ mới do sự sẵn có của chè lá tươi và chất lượng tốt mặc dù khối lượng hàng cung cấp lớn. Trong phiên đấu giá gần đây nhất vào ngày 17/5/2016 (phiên đấu giá thứ tư của mùa kinh doạnh hiện tại), giá chè Bangladesh trung bình ở mức 199,95 taka/kg (tương đương 2,50 USD/kg), tăng từ 131,63 taka/kg tại phiên đấu cuối cùng của mùa kinh doanh trước (hôm 15/3).

Giá chè Best Broke Pekoe Ones (BP1s) TEABP1-BEST-KE hạng nhất Kenya giảm trong tháng này ở Mombasa, đạt mức 2,20-3,30 USD/kg so với 2,00-3,86 USD/kg của phiên đấu giá trước. Trong khi đó, giá chè Best Brighter Pekoe Fanning Ones (PF1s) TEAPF1-BEST-KE tăng lên mức 2,30 – 3,08 USD/kg, so với 2,37 – 2,94 USD/kg tuần trước.
Tại Ấn Độ, tiếp nối đà tăng giá trong tháng 4/2016, nguồn cung giảm tiếp tục khiến giá chè tiếp tục tăng trong tháng 5/2016 tại các phiên đấu giá của Hiệp hội Thương mại Chè Coonoor. Tại phiên đấu giá thứ 19 tổ chức trong hai ngày 12-13/5, giá trung bình tăng lên 97,51 Rs/kg so với 94,93 Rs/kg cuối tháng trước. Vigneshwar Speciality Broken Orange Pekoe Fannings được bán với giá cao nhất tại phiên đấu giá chè lá CTC ỏ mức 278 Rs/kg. Tiếp đến là Hittakkal Speciality’s Broken Orange Pekoe Fannings (266 Rs/kg), Darmona Estate’s Broken Orange Pekoe Small (221 Rs/kg). Trong phiên đấu giá chè bụi CTC, Vigneshwar Speciality Pekoe Dust đứng đầu khi được mua ở mức 260 Rs/kg. Tiếp đến là Hittakkal Speciality’s Pekoe Dust (251 Rs/kg). Trên thị trường chè orthodox, Kodanad đạt mức giá cao nhất với 255 Rs/kg, tiếp theo là Kairbetta (215 Rs/kg), Chamraj (228 Rs/kg) và Havukal (214 Rs/kg).

Nông dân trồng chè ở miền Nam Ấn Độ dự kiến sản lượng thu hoạch chè của khu vực này trong năm nay sẽ giảm khoảng 10% điều kiện sóng nhiệt và hạn hán. Theo Hiệp hội Nông dân trồng chè miền Nam Ấn Độ (UPASI), khu vực này sản xuất 227.500 tấn chè trong năm 2015, chiếm khoảng 20% trong tổng sản lượng 1,2 triệu tấn sản lượng cả nước. Điều kiện thời tiết nóng tại các tiểu bang như Kerala, Tamil Nadu và Karnataka đã tác động tới sản xuất chè từ tháng 2 năm nay. Sản lượng giảm khoảng 1.800 tấn trong tháng 2/2016 và giảm khoảng 2.000 tấn trong tháng 3/2016. Tuy nhiên, trong tháng 4/2016, sản lượng tiếp tục bị thu hẹp 5.000-6.000 tấn do thời tiết nóng gia tăng tại các vùng trọng điểm sản xuất. Tháng 4-5 là thời điểm chính vụ thu hoạch chè ở Ấn Độ. Xu hướng giảm sản lượng đã dẫn đến sự tăng giá của chè đen. Giá trung bình đã tăng từ khoảng 86 Rs/kg lên khoảng 104 Rs/kg trong vài tháng qua. Tuy nhiên, người sản xuất đã không được hưởng lợi từ giá chè tăng do nó vẫn thấp hơn chi phí sản xuất, trong khoảng từ 120-130 Rs/kg. Theo UPASI, ngành chè Ấn Độ đang bị áp lực khi giá vẫn còn thấp hơn so với chi phí sản xuất. Bên cạnh giá thấp, các nhà sản xuất đang phải đối phó với nhiều thách thức khác như: tiền lương cao, xu hướng trì trệ trong xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất khác như Sri Lanka và Kenya và tác động của biến đổi khí hậu.
Mặc dù sản xuất đang bị ảnh hưởng ở miền Nam, nhưng phần lớn ổn định phía Bắc và Đông Bắc của đất nước với sự đảm bảo về nguồn cung đầy đủ. Sản lượng cho đến tháng 3/2046 là tăng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong tháng 4/2016. Nhìn chung, Hiệp hội Chè Ấn Độ dự kiến sản lượng năm nay vẫn tương đương năm ngoái.
Từ ngày 22/6/2016, một người mua trà đăng ký tại Kochi hay Coonoor có thể tham gia vào sàn giao dịch đấu giá điện tử (e-auction) chè Darjeeling (các loại chè có nguồn gốc từ vùng Darjeeling của Ấn Độ), nhờ vào hệ thống thống nhất và liên kết mới được đưa ra bởi Ủy ban Chè Ấn Độ.
Hiện nay, có khoảng 2.800 tấn chè Darjeeling được cung cấp trong các cuộc đấu giá và giao dịch bằng tay. Tất cả các chủng loại chè khác như chè CTC, chè bụi và chè orthodox hiện đang được giao dịch thông qua đấu giá trực tuyến. Có bảy trung tâm đấu giá điện tử đã đăng ký trong nước (Kolkata, Siliguri, Guwahati , Jalpaiguri, Coonoor, Kochi và Coimbatore) và có khoảng 534 nghìn tấn chè được bán thông qua hệ thống đấu giá này. Ấn Độ sản xuất hơn 1,2 triệu tấn chè hàng năm. Mặc dù hệ thống đấu giá điện tử đang được điều hành bởi các trung tâm đấu giá, nó tồn tại rất nhiều vấn đề như có nhiều quy tắc đấu giá khác nhau gây phức tạp cho người mua. Ngoài ra, người mua hoặc người bán đã đăng ký với một trung tâm bán đấu giá không thể tham gia vào các trung tâm đấu giá khác.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết việc khánh thành hệ thống đấu giá PAN-India với hệ thống số hóa tích hợp sẽ mang lại thuận lợi trong kinh doanh số lượng lớn các loại chè khác nhau trên toàn quốc. Sàn giao dịch đấu giá chè điện tử sẽ không hạn chế người mua của một trung tâm đấu giá mà có thể tham gia đăng ký mua của nhiều trung tâm. Các khách hàng đã đăng ký mua hàng của bất kỳ một trong bảy trung tâm đấu giá trực tuyến hiện tại của Ủy ban Chè có thể giao dịch tại tất cả các trung tâm khác.
Mục đích của hệ thống là để tạo điều kiện phát hiện giá cả tốt hơn và khối lượng giao dịch cao hơn trên nền tảng số hoá. Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, hệ thống mới có thể là một bước ngoặt cho bán đấu giá chè ở Ấn Độ.
II. Thị trường trong nước:
Tại Thái Nguyên, giá chè nguyên liệu trong tháng này không đổi so với tháng trước. Cụ thể, chè xanh búp khô hiện ở mức 100.000 đ/kg, chè cành chất lượng cao 180.000 đ/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 130.000 đ/kg. Những ngày qua, thời tiết bắt đầu xuất hiện nắng nóng, oi bức kèm theo mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi phát sinh một số loại sâu, bệnh gây hại trên cây chè. Nếu không được phòng trừ kịp thời, các loại sâu bệnh sẽ tiếp tục gây hại trên cây chè, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm chè.

Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng giá chè nguyên liệu sản xuất trà xanh loại 1 vẫn duy trì ổn định ở mức 8.000 đ/kg, chè nguyên liệu sản xuất trà đen loại 1 giữ mức 4.000 đ/kg.
Mặc dù không khốc liệt như một số tỉnh Tây Nguyên khác, song nạn hạn hán tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn. Cũng như nhiều tỉnh Tây Nguyên khác, Lâm Đồng có lợi thế và tiềm năng để phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây chè. Nhiều diện tích chè tại thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thiếu nước tưới do mưa ít, nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
III. Tình hình xuất khẩu:
Theo số liệu thống kê, khối lượng xuất khẩu chè tháng 5 năm 2016 ước đạt 8 nghìn tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2016 đạt 41 nghìn tấn và 64 triệu USD, giảm 4% về khối lượng và giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá chè xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1.525 USD/tấn, giảm 6,63% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2016, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 30,45% thị phần – giảm 10,15% về khối lượng và giảm 16,07% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Indonesia (tăng 96,19%) và Malaysia (gấp 2,64 lần).

Nguồn: V.A/nghenong.com