Gạo không chỉ là loại thực phẩm chính của nhiều nước Đông Nam Á mà còn là mặt hàng mang giá trị về mặt tinh thần đối với người dân trong khu vực, đồng thời có ý nghĩa chính trị đối với các Chính phủ, như Philippines hay Indonesia, vì có tác động mạnh tới mục tiêu lạm phát của quốc gia. Những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan hay Việt Nam cũng cần duy trì giá lúa gạo trong nước ở mức cao hợp lý để bảo vệ lợi ích của người trồng lúa.
Do dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, mỗi nước trong khu vực đã có những giải pháp riêng cho mình để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Không chỉ Philippines mà nhiều nước ASEAN khác cũng đang chịu áp lực và cố gắng đảm bảo nguồn cung gạo và các lương thực, thực phẩm khác trong bối cảnh dịch bệnh leo thang.

Trong số các nước ASEAN, tính đến ngày 23/4, Singapore là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 khi số ca nhiễm lên tới hơn 11.000 người, tiếp đến là Indonesia với hơn 7.000 người, Philippines gần 7.000 người…

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến30/4 cùng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm soát đi lại liên tỉnh, khuyến khích người dân ở trong nhà.... Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ ngày 3/4/2020, kéo dài tới 15/4. Ngay sau đó, người tiêu dùng đổ xô đi mua gạo tích trữ vì lo sợ thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài.

Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, tạm dừng xuất khẩu gạo kể từ 24/3 để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sau khi xem xét tình hình nguồn cung lúa gạo trong nước, ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại với khối lượng giới hạn ở mức 400.000 tấn/tháng trong tháng 4 và 5/2020.
Campuchia tạm dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng và thóc kể từ ngày 5/4/2020 để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo thơm vẫn tiến hành bình thường, vì nhu cầu gạo hơn trên thị trường nội địa không cao.
Myanmar đầu tháng 4 cũng thông báo tạm thời dừng cấp giấy phép mới cho xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo từ Pakistan cũng bị gián đoạn.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thực hiện phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3/2020, ban đầu dự định kéo dài 21 ngày, nhưng sau đó tiếp diễn dự kiến đến 1/5/2020, khiến cho các kênh hậu cần gạo của nước này bị gián đoạn.
Bangladesh phong tỏa từ ngày 26/3 và dự kiến kéo dài đến 5/5, khiến cho vụ lúa Hè (vụ Boro, chiếm khoảng 50% sản lượng của cả năm, tương đương khoảng 20 triệu/35 triệu tấn gạo) có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nhân lực cho việc thu hoạch lúa.
Những động thái trên đã làm dấy lên lo ngại đối với các nước nhập khẩu gạo chủ chốt như Philippines. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực này năm ngoái đã mua 2,9 triệu tấn gạo từ nước ngoài, và dự kiến sẽ cần nhập khẩu 2,5 triệu tấn trong năm nay, chủ yếu từ Việt Nam. Indonesia năm 2019 đã mua 600.000 tấn gạo và USDA dự báo sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn trong năm nay.
Trong khi đó, chính sách ngừng xuất khẩu gạo hoặc lệnh giới nghiêm của nhiều nước đã khiến cho nhiều lô gạo bị ách tắc ở cảng không chuyển giao được tới các nước nhập khẩu. Nguồn tin Nikkei ngày 15/4 dẫn tin từ một thương nhân Singapore cho biết, ở thời điểm đó có “ít nhất 200.000 đến 500.000 tấn gạo bị đọng lại ở các cảng biển của Việt Nam và Campuchia, gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung ở một số thị trường nhập khẩu”. Hàng nhập khẩu từ Việt Nam đến chậm buộc Philippines phải tìm kiếm những nguồn cung khác như Thái Lan hay Myanmar
Tính đến cuối tháng 3, Philippines có tổng lượng gạo dự trữ đủ dùng cho 75 ngày, còn Indonesia thông báo có 3,5 triệu tấn gạo dự trữ nhưng vẫn để ngỏ khả năng nhập khẩu thêm nếu giá gạo tăng mạnh.
Hạn hán năm nay xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam trong bối cảnh người tiêu dùng lo sợ về dịch bệnh nên mua mạnh đã đẩy giá gạo thế giới lên cao nhất trong vòng gần một thập kỷ.

Nguồn: VITIC/Reuters, Nikkei