Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết vụ 2019- 2020, sản xuất mía đường vẫn sẽ gặp khó khăn.Diện tích giảm 15 - 20% xuống 200.000 ha. Năng suất mía ước đạt 10 - 11 triệu tấn. Sản lượng đường đạt 1 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019. Hiện tại, Việt Nam cũng chỉ còn 37 nhà máy mía đường, thay vì 46 như giai đoạn 2015. Các thông tin trên được ông Doanh nêu tại hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 vừa diễn ra ở TP HCM.
Theo ông, ngành đường năm 2019 - 2020 sẽ đối mặt với các vấn đề: sản lượng và diện tích thu hẹp do giá đường thế giới thấp cùng nhu cầu giảm; tình trạng buôn lậu; tồn kho; chính sách hỗ trợ không đồng bộ và việc ồ ạt nhập khẩu đường lỏng.
Diện tích mía bị thu hẹp đáng kể, sản lượng mía đường Việt Nam liên tục giảm do giá đường thấp, nhu cầu tiêu thụ đường suy yếu. Sau khi lập đỉnh 23,47UScent/pound vào đầu tháng 10/2016, giá đường giảm do thừa cung. Dù thế, từ đầu năm, giá tăng 5,7%, cho thấy tín hiệu phục hồi.
Sản xuất mía đường vẫn sẽ gặp khó khăn trong vụ 2019 - 2020. Diện tích và sản lượng mía - đường đều dự báo sẽ giảm. Ảnh: Reuters.
Để hạn chế đường nhập khẩu, từ năm 2015, Bộ Công Thương bắt đầu tổ chức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nông dân trong ngành hàng này phát triển. Dù thế, nạn buôn lậu đường vẫn diễn ra, lan rộng, đặc biệt tại vùng biên giới giáp Campuchia và Lào.
Dự báo về nhu cầu đường của Việt Nam đạt 1,5-1,6 triệu tấn/năm trong khi sản xuất chỉ đạt 1,2 triệu tấn được cho là lý do tạo ra nạn buôn lậu. Theo ước tính của VSSA, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường được buôn lậu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Hiện giá ở phía Bắc, Nam Trung Bộ bị ảnh ảnh nhiều nhất do năng suất thấp hơn phía Nam.
Tồn kho đường tại các nhà máy còn rất lớn, tình hình tiêu thụ khó khăn. Theo Chủ tịch VSSA, 2 năm qua, nhiều nhà máy gặp khó khăn về tài chính. Trong bối cảnh Hiệp định ATIGA vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam, nhiều nhà máy đường cũng chưa dám công bố giá mua mía với nông dân vì muốn chờ chính sách từ các cơ quan quản lý. Điều này khiến người trồng mía chán nản, bỏ bê.
Chính sách không đồng bộ là một trở ngại khác cho việc phát triển ngành mía đường. Ông Doanh cho biết không ít nhà máy phàn nàn các nước khác có chính sách bảo hộ cho người trồng mía, người sản xuất để đảm bảo sản xuất hiệu quả. Việt Nam dù đã có chính sáchhỗ trợ nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả nên ngành mía đường vẫn bị kìm hãm. Năm 2020, nếu Chính phủ xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường để gia nhập ATIGA trong khi giá mía chưa rõ ràng, nông dân sẽ chuyển sang trồng sắn giống như tình trạng hiện nay ở phía Bắc.
Mặt khác, với những vùng không trồng được lúa, nông dân sẽ chuyển sang mía. Vì thế, điều kiện thổ nhưỡng cho vây mía không đủ tốt. Mặt khác, với những vùng không trồng được lúa, nông dân sẽ chuyển sang mía. Chưa kể, các vùng nguyên liệu cũng gặp khó khăn vì mức trợ cấp bình quân cho nông dân rất thấp, ở phía Bắc là 0,3 ha/hộ và ở phía Nam là 0,8 ha/hộ.
“Đất đai manh mún, điều kiện sản xuất khó khăn, không thể cơ giới hóa vùng nguyên liệu nên giá sản xuất đường của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia, như Thái Lan. Đặc biệt ở phía Bắc khó có thể phát triển ngành mía đường”, đại diện của VSSA bày tỏ.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA. Ảnh: Bộ Nông nghiệp.
Xét về nhu cầu, ngành mía đường Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi làn sóng nhập khẩu ồ ạt đường HFCS (đường lỏng) từ Hàn Quốc, Trung Quốc để thay thế đường kính. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa áp thuế hay áp hạn ngach nhập khẩu đối với loại đường được xem là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng này.
Ngoài ra, cũng giống với các nước trồng mía khác, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, các vùng trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long đều bị nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng.
Ngoài các vấn đề trên, ngành mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực về giá sau khi hội nhập ATIGA. Giá đường Thái Lan vào Việt Nam hiện chỉ 9.000 đồng/kg, trong khi mặt bằng giá đường trong nước là hơn 11.000 đồng/kg.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành