Châu Á đang chứng kiến cuộc đua xuất khẩu gạo đầy kịch tính giữa 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi Ấn Độ và Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực để kích thích doanh số xuất khẩu nhằm hỗ trợ nông dân thì Thái Lan dường như bị đuối hơn so với 2 đối thủ còn lại.
Tuy nhiên, cuộc đua này lại khiến giá gạo toàn cầu có xu hướng giảm, khiến cả những người tưởng như sẽ thắng cuộc cũng bị bầm dập không ít, theo nhận định của Nikkei Asian Review.
Chạy đua chính sách hỗ trợ nông dân trồng lúa
Sau hơn 3 thập kỷ liên tiếp là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan bây giờ phải đối mặt với nguy cơ rớt mất vị trí dẫn dầu. Xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm còn 11 triệu tấn trong năm 2018, từ mức 11,6 triệu tấn của năm 2017. Đến năm 2019, Bộ Thương mại Thái Lan dự báo xuất khẩu mặt hàng này có thể giảm tiếp về 10 triệu tấn.
 Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan thậm chí bi quan hơn khi dự báo con số này chỉ là 9 - 9,5 triệu tấn. Theo giới doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là các rủi ro đến từ bên ngoài. 
Năm 2017, chính phủ Thái Lan bắt đầu giải phóng tồn kho gạo, “di sản” mà chương trình trợ cấp lúa gạo của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra để lại, trong bối cảnh nhu cầu thế giới tăng mạnh. Sau đó, Thái Lan bắt đầu trữ gạo trở lại để giảm nguồn cung trên toàn cầu và kích thích giá phục hồi.
Nhưng rõ ràng, biến động chính trị năm 2014 cùng với việc chính phủ quân đội lên nắm quyền khiến Thái Lan có dấu hiệu “đuối sức” so với các đối thủ còn lại như Ấn Độ hay Việt Nam. 
Trong khi đó, tại Ấn Độ, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi vừa công bố kế hoạch trợ cấp xuất khẩu gạo không thuộc giống basmati, với mục tiêu kích thích xuất khẩu gạo và giảm tồn kho. Với chương trình hỗ trợ này, giá gạo Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. 
Cũng trong năm 2018, hàng nghìn nông dân trồng lúa nhiều lần kéo lên thủ đô của Ấn Độ để yêu cầu chính phủ xóa nợ và tăng giá mua gạo. Dưới sức ép lớn, chính phủ nước này đã ban hành loạt chương trình phúc lợi cho nông dân, đồng thời tăng giá mua gạo tối thiểu. 
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2018 tăng 6% so với năm trước đó lên 6,11 triệu tấn. Dù tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa có xu hướng tăng nhưng diện tích đồng lúa vẫn chiếm khoảng 60% lãnh thổ Việt Nam, với gần 9 triệu hộ gia đình làm nghề trồng lúa. 
Để kích thích sản xuất và xuất khẩu gạo, Chính phủ Việt Nam cuối tháng 8/2018 cũng thông qua Nghị định 107 nhằm giảm tải một số điều kiện về thương nhân và kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo từ ngày 1/10. Xuất khẩu gạo theo đó được dự báo sẽ sôi động hơn từ quý IV. Số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, khối lượng, chủng loại và giá trị gạo xuất khẩu đều được kỳ vọng sẽ tăng. 
Đến khoảng đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi văn bản yêu cầu các ngân hàng áp dụng biện pháp cụ thể để kịp cân đối vốn cho vay xuất khẩu gạo, góp phần hạn chế thiệt hại cho người sản xuất khi giá thóc, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý. 
Cạnh tranh khốc liệt về giá 
Trước áp lực cạnh tranh, giá gạo loại thường của Thái Lan giảm 9% kể từ tháng 1/2018 xuống còn khoảng 400 USD/tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo buộc phải hạ giá bán một phần khác vì đồng baht tăng giá. 
Mặc dù giá gạo Thái Lan có xu hướng giảm trong năm ngoái nhưng giá gạo loại trung bình của nước này vẫn cao hơn nhiều so với gạo cùng loại của Việt Nam và Ấn Độ. Gạo thường của Việt Nam có giá trao tay chỉ khoảng 380 USD/tấn, và của Ấn Độ là 372 USD/tấn. 
Gạo Thái Lan thậm chí đang gặp khó tại một trong những thị trường tiêu thụ chính, Indonesia. Năm 2018, dưới sức ép của đảng cầm quyền, chính phủ Indonesia quyết định nhập khẩu tới 3 triệu tấn gạo, cao gấp 3 lần so với mọi năm trước đó. “Điều này đồng nghĩa rằng nguồn cung gạo tại Indonesia đang rất dồi dào và họ sẽ không mua thêm trong năm 2019”, một quan chức tại Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết.
Khi giá trị của loại gạo thường xuống thấp, các nước sản xuất gạo tại châu Á bắt đầu chuyển qua trồng loại gạo cao cấp hơn để kiếm lời. 
“Chúng tôi sẽ không tập trung vào số lượng nữa, mà hướng tới chất lượng. Chúng tôi sẽ không xuất khẩu gạo thương nữa, mà muốn thâm nhập vào phân khúc thị trường cao hơn với loại gạo cao cấp”, Giám đốc Phòng Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, ông Adul Chotinisakorn nói. 
Hiện tại, chính phủ Thái Lan đang tìm cách thúc đẩy bán gạo Thái cao cấp cho các nhà sang trọng ở Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, theo ông Adul. 
Việt Nam cũng đang đi theo con đường tương tự. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngành lúa gạo nên chuyển hướng sang các giống gạo chất lượng và có giá trị gia tăng hơn. Để làm được điều đó, ngành lúa gạo cần phải khuyến khích sản xuất an toàn và sử dụng công nghệ cao, Phó thủ tướng nhấn mạnh trong một bài phát biểu cuối năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa có kế hoạch chuyển hướng cụ thể cho ngành lúa gạo. 
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá gạo cao cấp của Thái Lan liên tục tăng trong vài năm trở lại đây do nguồn cung thiếu hụt. Giá gạo cao cấp của Thái Lan hiện đã vượt 1.000 USD/tấn, từ mức chỉ 700 – 800 USD/tấn khi gạo cao cấp vẫn chưa phải là xu hướng phổ biến.
Chạy đua vào thị trường châu Âu 
Ngày 18/1, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố thông qua quyết định áp thuế lên gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar trong 3 năm tới, để tránh gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong khối. 
Theo nguồn tin này, EU dự kiến áp thuế 175 euro trên mỗi tấn gạo (200,73 USD/tấn) nhập khẩu trong năm đầu tiên. Mức thuế sẽ giảm về 150 euro trong năm thứ hai và 125 euro trong năm tiếp theo. 
Trước đó, Campuchia và Myanmar được hưởng lợi nhờ chương trình hỗ trợ các quốc gia kém phát triển của EU. Các nước này được phép xuất khẩu phần lớn hàng hóa vào thị trường EU mà không bị tính thuế. 
Đây được xem là một cơ hội mới mở ra cho cả gạo Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam để tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, EU là thị trường có nhu cầu về gạo cao cấp với yêu cầu rất khắt khe từ chất lượng sản phẩm tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, quy trình sản xuất... 
Đối với thị trường này, giống gạo thơm không được chấp nhận, trong khi gạo hạt dài cao cấp lại được nhập khẩu với giá rất cao khoảng 700 - 800 USD/tấn. Ngay cả thương hiệu gạo basmati nổi tiếng của Ấn Độ cũng phải thông qua một công ty phân phố của Anh để nhập về và phân phối lại. 
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết lượng gạo xuất khẩu vào EU của Việt Nam liên tục giảm trong vài năm gần đây do chịu sức ép cạnh tranh bởi gạo Campuchia và Thái Lan. Trong đó, gạo thơm Thái Lan đã trở nên quá quen thuộc với các khách hàng châu Âu nói chung. 
Tuy nhiên, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam. Việt Nam có thể gặp lợi thế nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi trong năm 2019.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Các hoạt động thương mại từ Việt Nam tới EU sẽ được miễn thuế sau 7 năm, từ EU tới Việt Nam là 10 năm. Đối với 1 số loại hàng nông sản EU có ưu tiên cho Việt Nam là các sản phẩm gạo, mía đường… hoạt động xuất khẩu này sẽ không bị tính thuế và không có hạn ngạch”, báo VOV đưa tin. 
Trong năm 2018, Việt Nam chỉ xuất khẩu 11.481 tấn gạo sang một số nước châu Âu, như Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha. Con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng hơn 6,11 triệu tấn gạo xuất đi các thị trường của Việt Nam.
Việt Nam cần một chiến lược đa dạng hơn với các giống gạo. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các giống lúa chủ lực như gạo thơm nhắm vào thị trường châu Á, gạo hạt dài phẩm cấp cao nhắm vào các siêu thị châu Âu..., báo Nhân dân trích lời GS, TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành